Đông Triều tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch

06/09/2021 10:06

Chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương.Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới.Cùng chủ trì cuộc họp tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid 19.
Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Dự tại điểm cầu Thị xã Đông Triều có đồng chí Nguyễn Văn Công – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã, đồng chí Nguyễn Ngọc Bằng – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã, đồng chí Nguyễn Văn Ngoãn – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngày 25/8/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn, nhằm huy động sự tham gia của đầy đủ, đồng bộ cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia mới kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Ban Chỉ đạo Quốc gia trước đây đã đạt được.
Thông qua hệ thống trực tuyến này nhằm thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch từ Trung ương tới tận xã, phường, thị trấn; đồng thời để Trung ương gần với cơ sở hơn, thấu hiểu, chia sẻ được nhiều hơn với cơ sở. Tuy nhiên, trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, công việc thuộc cấp nào, cơ quan nào, cấp đó, cơ quan đó phải thực hiện, trên nguyên tắc cấp trên chỉ đạo cấp dưới, cấp dưới phải báo cáo cấp trên, ngang cấp sẽ phối hợp, chia sẻ cùng nhau. Cuộc họp này lấy trọng tâm bàn việc phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn, thực hiện chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ” trong phòng, chống dịch. Xã, phường có đầy đủ hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị xã hội; là cấp hành chính gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất và trực tiếp với dân. Người dân là chiến sỹ trong phòng, chống dịch bởi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch, với quan điểm “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.”
Hội nghị này sẽ đề cập sâu đến việc khi thực hiện giãn cách xã hội, xã, phường, thị trấn phải làm gì, người dân phải làm gì. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến ngày 4/9/2021, cả nước đã ghi nhận hơn 508.000 ca mắc, trong đó 279.699 người đã khỏi bệnh, 12.758 ca tử vong. 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 6 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc. Giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8-04/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với một tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng; 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, trong đó, 8 tỉnh có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn, kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, trong đó khi thực hiện chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ,” xã, phường phải làm những việc gì, người dân phải làm những việc gì...Đồng thời, Thủ tướng nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, công việc mà các xã, phường, thị trấn phải thực hiện ngay nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã phát biểu sôi nổi đánh giá về việc thực hiện phòng, chống dịch theo nội dung tại Công điện số 1099 và Công điện số 1102 của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển trọng tâm “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch;” kết quả, hạn chế trong phòng, chống dịch, nguyên nhân của những hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; các biện pháp, bài học đã tích lũy được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; kiểm điểm công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch; những đề xuất, kiến nghị để công tác phòng, chống dịch... Các đại biểu đều khẳng định, chủ trương phòng, chống dịch theo quan điểm “xã, phường là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ” như hiện nay là đúng hướng, các biện pháp đang thực hiện được triển khai đồng bộ; cả hệ thống chính trị và toàn dân ủng hộ, hưởng ứng; các bộ, ngành, lực lượng, địa phương phối hợp ngày một nhịp nhàng, hiệu quả...Do đó, cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm... để phòng, chống dịch hiệu quả hơn; quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Sau khi nghe các ý kiến, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ, nhân dân các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên… đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả để phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, qua đây cho thấy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều của dân tộc được khơi dậy, phát huy, nhân lên, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch bệnh. Những kết quả trong phòng chống dịch cho thấy chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân” đang là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống dịch vẫn chưa đạt kết quả cao như mong muốn do nhiều nguyên nhân cụ thể khác nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu những nơi chưa làm cần kiện toàn ngay các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm Chỉ huy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình, biện pháp thực hiện có hiệu quả phòng, chống dịch, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội. Theo đó, các địa phương phải thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó;” Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm,” cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ các địa phương phối hợp với các ngành, nhất là ngành y tế thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn. Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị, đảm bảo đủ máy thở, oxy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong. Thiết lập và vận hành hiệu quả các trạm y tế lưu động. Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, chú ý về vaccine cho trẻ em. Tổ quản lý, chăm sóc tại nhà ở một số địa phương thực hiện điều trị F0 tại nhà. Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định chiến lược vaccine là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các cấp, ngành, đơn vị hết sức nỗ lực, trong đó có thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine. Riêng Thủ tướng đã tiếp xúc, điện đàm, gửi thư tới hàng chục lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất tiêm phòng cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân. Về sản xuất và lưu thông hàng hóa an toàn, Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu. Xem xét thiết lập cơ chế an toàn gồm “di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn, thích ứng an toàn.” Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Để đồng bộ, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, thực hiện cải cách hành chính, ngay sau cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác phòng chống dịch, tại Tỉnh Quảng Ninh,Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họptriển khai chỉ đạo phòng chống dịch đến 13 địa phương và 177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ghi nhận nỗ lực của các ngành, đơn vị và địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.Đối với trường hợp 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 ngày 4/9 vừa qua tại TP Móng Cái, các đơn vị đã nhanh chóng rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. Kết quả rà soát được 29 F1, trong đó âm tính 28 và 1 mẫu đang chờ kết quả; 39 F2, đã lấy mẫu cho kết quả âm tính; 2 trường hợp âm tính khác đang chờ kết quả.Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Chỉ huy, Bộ phận thường trực của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh và vận hành Cổng thông tin Covid-19 tỉnh Quảng Ninh trong ngày 2/9/2021. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tăng cường giải pháp trọng tâm phòng chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có các giải pháp động viên người lao động ở lại tỉnh để làm việc nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát; nhất là tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch, người và phương tiện trên tuyến biển, tuyến đường thuỷ nội địa.
Chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, cần phải kiện toàn đồng bộ ban chỉ đạo, các tiểu ban, Ban Chỉ đạo Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 ở 3 cấp; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, cập nhật tình hình để báo cáo đánh giá kịp thời, phù hợp. Phân công, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, thiết lập vận hành thực chất, hiệu quả Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp trong điều kiện Quảng Ninh đang tập trung vào các giải pháp phòng dịch là chủ đạo, với chiến lược cốt lõi là ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn bằng tất cả các con đường. Đồng chí đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo rà soát lại các chốt kiểm soát, nhất là ở các lối nhỏ trên địa bàn khu dân cư; củng cố kiện toàn lại các tổ tự quản Covid-19 cộng đồng và các chốt kiểm soát dịch trên tuyến biển, tuyến đường thủy nội địa với phân công lực lượng phù hợp gồm: Công an xã, dân quân tự vệ, dân phòng, thanh niên tình nguyện đảm bảo hiệu quả, chất lượng, không để đông mà không mạnh. Tiếp tục siết chặt quản lý kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong kiểm soát, giám sát, quản lý tất cả các trường hợp đi từ vùng, nơi có dịch và người Quảng Ninh đi về từ vùng có dịch, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ đối tượng lái xe tải, lái xe container đường dài.
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn các cơ sở sản xuất, KCN, KKT, cần phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, thực hiện diễn tập phương án phòng chống dịch trong trường hợp có F0. Đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án phòng chống dịch đối với biến chủng mới, nhằm xây dựng môi trường tuyệt đối an toàn.Tầm soát chủ động xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị phù hợp không để mầm bệnh (F1, F2) thành ca bệnh F0, không để hình thành ổ dịch, tránh dịch bùng phát. Trong trường hợp khi có thông tin F1, F0 phải báo ngay về Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19; các lực lượng chức năng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; đảm bảo mục tiêu vừa truy vết, dập dịch, khoanh vùng vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.Dịch bệnh nguy hiểm phức tạp với biến chủng lây lan nhanh, do đó, phải khai thác sử dụng các nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 để truy vết nhanh nhất khi cần, nhất là trong trường hợp dịch bùng phát nhanh.Tỉnh sẽ tìm nguồn, bố trí máy xét nghiệm PCR cho các địa phương chưa có; củng cố năng lực xét nghiệm của các địa phương: Hải Hà, Cô Tô,Tiên Yên, Bình Liêu; đề nghị ngành Y tế phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực xét nghiệm, phấn đấu đạt 100% xét nghiệm tại chỗ. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống.
Tập trung chiến dịch tiêm chủng vắc-xin diện rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Trong tháng 9, đặt mục tiêu tiêm cao nhất tiêm vắc-xin cho công nhân ngành than, Tổng Công ty Đông Bắc, các lực lượng làm trên các công trình, nhà máy, xí nghiệp, lực lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn. Tăng cường chủ động truyền thông tích cực để mỗi người dân thêm tự hào, nâng cao ý thức phòng chống dịch, giữ vững vùng xanh an toàn.
Sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến với Trung ương và Tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid 19 thị xã tiếp tục họp trực tuyến tới điểm cầu 21 xã, phường.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Công – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 thị xã khẳng định: Thời gian vừa qua, thị xã Đông Triều đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt đã thiết lập được Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch từ Thị xã đến các xã, phường với hệ thống đường dây nóng được liên kết đến hệ thống mạng lưới của quốc gia. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức buổi Lễ khai giảng cho các trường học trên địa bàn thị xã trong không khí vui tươi, phấn khởi và đảm bảo an toàn, thực hiện tốt các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng thực hiện kế hoạch phương án để phục vụ cho công tác diễn tập trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới được triển khai; công tác ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch đã được thực hiện rộng khắp ở tất cả các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, đồng chí cũng khẳng định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn hiện nay là rất cao, đặc biệt ở các tuyến đường sông; các chốt, trạm kiểm soát, các khu vực giáp ranh, xen canh xen cư; ở một số nơi tập trung đông người như ở chợ…Do vậy, để giữ vững thành quả của công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Thị ủy yêu cầu: Tiếp tục thực hiện rà soát lại các thành viên, quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ thị xã đến xã, phường để đảm bảo thống nhất với Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch; phát huy trách nhiệm của cả Ban chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, đặc biệt cần phân công lịch trực lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch;trực lãnh đạo của Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch theo quy định. Kiểm soát và siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch tại các chốt, trạm, các chốt trên trục giao thông chính, trên đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, trên các tuyến đường liên xã. Đối với các chốt, trạm tại các đường mòn, lối mở, cần rà soát các lực lượng đang làm nhiệm vụ để có những điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng cường sử dụng công an viên là lực lượng chủ chốt, chịu trách nhiệm chính cùng với các lực lượng dân phòngvà các tổ Covid 19 cộng đồng, lực lượng công an chính quy sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ các chốt, trạm trên khi cần thiết. Đối với công tác tiêm Vacxin phòng Covid 19, đồng chí yêu cầu Ngành Y tế thị xã cần chủ động, luôn trong tư thế sẵn sàng để thực hiện công tác tiêm chủng trên diện rộng trên địa bàn thị xã ngay sau khi tiếp nhận vacxin đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Thị ủy cũng yêu cầu, bên cạnh việc thị xã sẽ bố trí tổ chức công tác diễn tập trong trường hợp giả định có ca F0 tại các chợ, trong khu dân cư, tại các nhà máy, doanh nghiệp có số lượng đông công nhân để các xã, phường kiến tập, nghiên cứu và rút kinh nghiệm thì tại các cơ quan, đơn vị cũng phải xây dựng phương án phòng, chống dịch và tổ chức diễn tập bài bản ngay tại cơ quan, đơn vị mình để đảm bảo không hoang mang, bất ngờ, bị động khi xảy ra các tình huống dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra từ thị xã đến các xã, phường, giám sát kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch; phân công rõ nhiệm vụ theo dõi địa bàn, theo dõi đến tổ dân cư, khu phố, các thôn xóm nhằm phát huy trách nhiệm từng cá nhân trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là quét mã QR code, ứng dụng phần mềm Bluezone để có thể kiểm soát, chủ động, sẵn sàng trong công tác truy vết khi có dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để đảm bảo người dân, doanh nghiệp, nhân dân hiểu, ủng hộ và kiên định với công tác phòng, chống dịch của thị xã, của Tỉnh và Trung ương.
Đồng chí cũng nhấn mạnh đến một số biện pháp điều chỉnh phòng, chống dịch đảm bảo thực hiện “Mục tiêu kép”, trong đó, đối với doanh nghiệp sử dụng lao động hai địa phương Đông Triều và Hải Dương bao gồm người Đông Triều làm việc tại Hải Dương và người Hải Dương làm việc tại Đông Triều, đồng chí nếu rõ cho phép các doanh nghiệp đưa đón công nhân tập trung qua các chốt hàng ngày nhưng các doanh nghiệp phải có cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp, phòng chống dịch, thực hiện tầm soát đảm bảo 20% các doanh nghiệp, trong đó phải tập trung vào các đối tượng di chuyển qua hai địa phương; bố trí xe đưa đón tập trung, thực hiện đăng ký xe, biển số xe, danh sách người lao động đi về trong ngày để thị xã thực hiện cấp thẻ cho từng người lao động đảm bảo công tác kiểm soát chặt chẽ lượng người và xe qua các chốt. Đối với một số hộ dân xen canh, xen cư ở xã An Sinh, đồng chí Bí thư Thị ủy giao UBND xã An Sinh rà soát, yêu cầu các trường hợp này ký cam kết không di chuyển sang tỉnh Hải Dương; các trường hợp học sinh ở địa bàn xã An Sinh nhưng học tập tại tỉnh Hải Dương, thực hiện việc cấp phát thẻ ra vào cho các cháu học sinh, người đưa đón đi về trong ngày; hàng tuần tổ chức xét nghiệm tầm soát cho các đối tượng trên để vừa đảm bảo việc học tập cho học sinh vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Hồng Ngát

Nguồn truyền hình thị xã Đông Triều



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 195
Đã truy cập: 194444