Thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các nghị quyết đã được nghiên cứu, xây dựng, ban hành phù hợp với thực tiễn xã hội địa phương. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ giải pháp đưa nghị quyết vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho đối tượng chính sách, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, trên cơ sở văn bản của Trung ương, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Quảng Ninh đã ban hành văn bản triển khai các chính sách liên quan theo từng giai đoạn, thực hiện trợ cấp cho các đối tượng kịp thời, đúng chế độ. Đặc biệt, tỉnh nâng mức trợ cấp, mở rộng đối tượng so với quy định của Trung ương, góp phần đáp ứng nguyện vọng nhân dân, tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội địa phương.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có hơn 40.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Đây là con số không nhỏ, nếu không được chăm sóc, bảo vệ tốt ảnh hưởng đến ổn định xã hội trên địa bàn. Bởi vậy, từ rất nhiều năm nay, tỉnh luôn quan tâm đến công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng này.
Cụ thể, ngay khi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được Chính phủ ban hành có hiệu lực, ngày 16/7/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người sinh sống tại cộng đồng, cao gấp 1,3 lần so với mức chuẩn của Trung ương (giai đoạn 1/8/2021 đến 31/12/2022 mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 450.000 đồng/tháng; từ ngày 1/1/2023 trở đi mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 500.000 đồng/tháng).
Ngoài nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, nghị quyết trên còn mở rộng thêm một số nhóm đối tượng như: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; người cao tuổi không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng.
Cuối năm 2022, Quảng Ninh còn 258 hộ nghèo, 2.554 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Trước thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, cận nghèo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh với tiêu chí thu nhập khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức chuẩn nghèo của tỉnh gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập.
Anh Mạ Văn Long (thôn Nà Luông, xã Lục Hồn, Bình Liêu) cho biết: Năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ xây mới nhà ở dù đã không còn trong diện hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế gia đình tôi vẫn khá khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào con trai đi làm thuê. Với quy định của tỉnh hiện nay, những hộ khó khăn như gia đình tôi vẫn có thể được hỗ trợ để từ đó phát triển kinh tế bền vững hơn.
Không chỉ nâng chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, Quảng Ninh còn nhiều chính sách riêng có nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như việc hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí văn hoá cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 310 của HĐND tỉnh. Sau 3 năm triển khai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 100.611 lượt người, trong đó có có 20.930 người được các địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí trên 19.000 triệu đồng. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Sau học nghề, 80% học viên, sinh viên ra trường đều tham gia vào thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp.
Có thể thấy, sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đối với công tác an sinh xã hội là động lực để người dân trên địa bàn an tâm phát triển sản xuất, từ đó tiếp tục thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển bền vững.
Công thông tin tỉnh Quảng Ninh