Sáng ngày 24/11, Hội khuyến học 8 tỉnh vùng Đông Bắc: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Kạn, Cao Bằng tham quan, dâng hương tại Đền An Sinh và Thái miếu nhà Trần – 2 trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Các đại biểu dâng hương tại đền An Sinh
Tại các điểm di tích, các đại biểu đã được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về đặc điểm tự nhiên, đặc điểm lịch sử và các di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều.
Đền An Sinh (Yên Sinh) thuộc thôn Trại Lốc 1 (nay là thôn Trại Lốc), xã An Sinh (thị xã Đông Triều) được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia ngay từ đợt đầu năm 1962. Năm 2013, đền An Sinh cùng với 13 điểm di tích khác thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là nơi thờ bát vị tiên đế triều Trần, An Sinh vương Trần Liễu và Thiện Đạo Quốc mẫu, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Là một trong số những công trình tín ngưỡng linh thiêng của thị xã Đông Triều nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, Đền An Sinh hiện là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về dâng hương, tham quan vãn cảnh.
Đền An Sinh (thời Trần vốn là điện An Sinh) tọa lạc trên một quả đồi thấp, có non bình, thủy tụ. Với địa thế đẹp là trung tâm của cả Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Đền được xây dựng vào thời Trần năm 1381, ban đầu là nơi thờ ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế, Khâm Minh Thánh Vũ Hiển Đạo An Sinh hoàng đế (tức An Sinh vương Trần Liễu).
Trong giai đoạn 1958 – 1975, khu vực đền An Sinh trở thành Trường học của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập và sau này trường Sư phạm Quảng Ninh tiếp quản.
Để bảo tồn và phát huy di tích đền An Sinh đúng với những giá trị lịch sử, năm 1997 – 2000, thị xã Đông Triều đã huy động nguồn công đức, tổ chức tu bổ, tôn tạo lại di tích đền An Sinh trên khu vực nền điện cũ, với cấu trúc hình chữ công gồm: tòa đại Bái đường, tòa Trung đường (thờ An Sinh vương Trần Liễu, Thiện Đạo Quốc mẫu phu nhân, Đức Thánh Trần Hưng Đạo và tòa Hậu cung (thờ 8 vị hoàng đế triều Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định); hai bên là nhà Tả vu (nhà trưng bày di sản văn hóa nhà Trần) và hữu vu (nhà khách), ngũ môn, khu vực trưng bày hiện vật ngoài trời, hệ thống sân vườn, bãi đỗ xe, sân hội, các công trình phụ trợ…Lễ hội truyền thống đền An Sinh được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm, là dịp gắn bó cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự, dâng hương tưởng niệm các vua Trần.
Thái Miếu nhà Trần còn có tên là Tiên Miếu/ Tổ Miếu - là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, đây là nơi thờ tổ tiên của nhà Trần và các vị vua Trần. Thái Miếu tọa lạc trên ngọn đồi thấp có tên là Đồi Đình, với mặt bằng hình ông cá thiêng "linh ngư", nằm dài theo chiều Bắc Nam, mặt quay chính Nam. Nay thuộc thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, Thị xã Đông Triều.
Qua nghiên cứu cho thấy, di tích được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIII, sau khi Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang ban cho Trần Liễu làm đất thang mộc. Từ Tiên Miếu (nơi thờ tổ tiên), sang đầu thế kỷ XIV, nơi đây dần trở thành Thái Miếu (nơi thờ cúng của cả hoàng tộc). Càng về sau, quy mô kiến trúc của công trình càng được mở rộng hơn. Năm 2014 được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân, dự án trùng tu tôn tạo Thái Miếu nhà Trần được khởi công trên diện tích 2,6 ha với nguồn vốn hoàn toàn từ xã hội hóa và được khánh thành vào năm 2017. Trải qua những thăng trầm lịch sử, Lễ hội Thái miếu được phục dựng và tổ chức lại lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi và được duy trì hàng năm.
Truyền hình thị xã Đông Triều