Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Phường Nam Hòa nằm cách trung tâm thị xã Quảng Yên 01 km; phía Bắc giáp sông Chanh và phường Quảng Yên, phía Đông giáp xã Cẩm La, phía Nam giáp phường Yên Hải, phía Tây giáp sông Bạch Đằng. Tổng diện tích tự nhiên của phường rộng 975 ha. Trước khi hoàn thành đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (vào năm 2018) và cầu sông Chanh 2 (vào năm 2021), phường Nam Hòa là cửa ngõ đường bộ duy nhất để đi vào đảo Hà Nam.
Địa hình Nam Hòa có đặc điểm không bằng phẳng, khu vực đất cao chiếm khảng 60% diện tích, còn lại là khu vực đất có độ cao trung bình vào thấp. Phường có hai tuyến đường bộ quan trọng cùng xuất phát từ ngã ba chân cầu sông Chanh, một tuyến đi qua các phường Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải, các xã Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong; tuyến thứ hai qua xã Cẩm La, các phường Phong Cốc, Phong Hải rồi qua các xã Liên Hòa, Liên Vị, xuống Tiền Phong. Ngoài ra, tuyến đê biển Hà Nam có đoạn qua địa phận Nam Hòa cũng là một tuyến đường bộ thuận tiện.
Nam Hòa giáp sông Chanh và sông Rút là hai chi lưu của sông Bạch Đằng đổ ra biển theo cửa Lạch Huyện và cửa Nam Triệu. Sông Chanh dài khoảng 20km, bắt nguồn từ sông Bạch Đằng, qua Bến đò Lá hợp dòng với sông Bồi, rồi chảy thẳng ra cửa Lạch Huyện. Sông Chanh nằm trên tuyến đường giao thông ven biển nối cảng Hải Phòng với các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, chia thị xã Quảng Yên thành hai vùng Hà Nam và Hà Bắc. Sông Rút còn gọi là sông Nam, dài chừng 15 km, cùng bắt nguồn từ sông Bạch Đằng chảy tới kênh Cái Tráp hợp với song Ruột Lợn rồi đổ ra cửa Nam Triệu. Bên phải là khu đầm Nhà Mạc, bên trái là đảo Hà Nam. Đầu sông Rút có các bãi cọc Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối thời nhà Trần nhằm chặn đường rút chạy của quân Nguyên Mông ra biển, có lẽ vì thế mà có tên gọi sông Rút. Xưa kia, từ đầu sông Rút còn có một con sông nối với sông Chanh ở khu vực Đò Lá, nhân dân thường gọi là sông Kênh. Song từ lâu sông Kênh đã bị lấp cạn trong vòng đê Hà Nam.
Nam Hòa có hệ thống sông ngòi và các tuyến kênh mương trải rộng khắp trên các cánh đồng, trong đó có sông thanh niên Hồ Chí Minh (nay đã bị lấp một phần). Hệ thống sông ngòi, kênh mương có nhiệm vụ chủ yếu là tiêu thủy, phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp.
Quá trình hình thành và phát triển
Tên gọi Nam Hòa có từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, khi đó chính quyền cách mạng chia tổng Hà Nam thành 3 xã: Nam Hòa, Phong Cốc, Trung Bản. Xã Nam Hòa lúc bấy giờ gồm có 5 thôn: Tân Lập (Hưng Học), Tân Tạo (Đồng Cốc), Tân Tiến (Hải Yến), Yên Thế (Yên Đông), Hùng Thắng (Cẩm La).
Đến năm 1957, Nam Hòa lại được tách ra làm 3 xã gồm có Nam Hòa, Cẩm La và Yên Hải. Xã Nam Hòa mới gồm có hai thôn Tân Tạo và Tân Lập, sau đổi lại theo tên cũ là Đồng Cốc và Hưng Học. Sau đó hình thành thôn mới là thôn Bến Đò. Hai thôn Đồng Cốc và Hưng Học đều là những địa danh có lịch sử lâu đời, có bề dày truyền thống văn hóa gắn với lịch sử khai phá đảo Hà Nam của các vị Tiên Công.
Ngày 25/11/2011, phường Nam Hòa được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích, đất đai, dân số của xã Nam Hòa theo Nghị quyết số 100/NQ-CP của Chính phủ về thành lập thị xã Quảng Yên và các phường thuộc thị xã Quảng Yên. Hiện nay, phường Nam Hòa gồm có 7 khu phố, theo số thứ tự từ khu phố 1 đến khu phố 7. Khu phố 1, 2 tương ứng với thôn Đồng Cốc trước đây; Khu phố 3,4 tương ứng với thôn Hưng Học; Khu phố 5 là khu dân cư trung tâm của phường; Khu phố 6 tương ứng với xóm Chùa; Khu phố 7 tương ứng với thôn Bến Đò.
Truyền thống lịch sử, văn hóa
Ngoài những nét riêng biệt của người vùng biển, văn hóa Nam Hòa vẫn mang sắc thái của vùng đồng bằng Bắc Bộ với đình , đền, chùa, nhà thờ họ, văn chỉ. Các tuần tiết, lễ nghi, hội hè, cúng tế theo khuôn mẫu chung quê hương cũ của các bậc Tiên Công.
Nam Hòa là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa với hai đình làng, hai chùa và gần 90 đền miếu, nhà thờ họ, hàng năm đều tổ chức tế lễ, hội làng, hội chùa. Đặc biệt có 3/9 di tích thuộc cụm di tích Quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288): đền Trung Cốc, bãi cọc Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa. Năm 2021, có thêm di tích đình Hưng Học được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Ngoài ra, phường Nam Hòa còn có những di tích và chùa chiền nổi bật khác như: đình Đồng Cốc, chùa Giữa Đồng, chùa Hưng Linh.