Lịch sử phát triển, điều kiện tự nhiên, KTXH, truyền thống văn hóa và địa giới hành chính địa phương; bản hồ hành chính cấp huyện

I. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, tên gọi và phạm vi địa giới hành chính của Cẩm Phả đã nhiều lần thay đổi. Cẩm Phả ngày nay được hình thành bởi quá trình tách ra, nhập lại qua nhiều thời kỳ lịch sử. Xa xưa, Cẩm Phả là một xã trong tổng Hà Môn thuộc châu Tiên Yên. Đó là một nơi rộng rãi (Phổ, Phả) và đẹp như gấm vóc (Cẩm) mà thành tên. Năm 1831, Vua Minh Mạng tách Cẩm Phả làm một tổng thuộc huyện Hoành Bồ. Tổng Cẩm Phả lúc đó gồm 5 phố: Hạ Lâm (phiên âm là Hà Lầm), Núi Trọc, Ngã Hai, Mông Dương, Vạn Hoa và 3 xã: Cẩm Phả, Đại Lộc, Quang Hanh.

Ngày 24 tháng 1 năm 1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn làm khế ước bán mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả cho tên Ba-vi-ê-sô-phua với giá 10 vạn đồng Đông Dương. Ngày 24 tháng 8 năm 1886, Ba vi vê sô pua (Bavieaupour) thành lập công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) độc quyền chiếm đoạt và khai thác than vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Mông Dương, cho tiến hành thăm dò khai thác than trên cơ sở những lò cũ của dân bản xứ là người Sán Dìu, Thanh Phán, Kinh, Tày, Hoa...

Trước năm 1936, Cẩm Phả là một tổng của huyện Hoành Bồ. Năm 1936, chính quyền thực dân phong kiến đã tách 3 tổng: Cẩm Phả, Hà Gián, Vân Hải thành lập châu Hà Tu. Năm 1940 đổi thành châu Cẩm Phả bao gồm các xã phía đông Hoành Bồ, phần lớn xã thuộc huyện Ba Chẽ và đảo Cái Bầu (Kế Bào, Vân Đồn). Về địa giới hành chính: Chúng đặt châu Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Yên. Ta đặt châu Cẩm Phả trực thuộc Đặc khu Hồng Gai (tương đương cấp Tỉnh).

Châu Cẩm Phả lúc này bao gồm các khối phố: Phố Mới, Phố Cũ, Núi Trọc, Cửa Ông và các xã: Quang Hanh, Cẩm Bình, Thi Đua (sau đổi thành xã Thắng Lợi), Độc Lập (sau đổi thành xã Hùng Thắng) và các xã thuộc huyện Cẩm Phả (huyện Vân Đồn ngày nay).

Ngày 27 tháng 9 năm 1945, chính quyền nhân dân Cẩm Phả, Cửa Ông được thành lập. Lúc này Cẩm Phả và Cửa Ông trực thuộc khu đặc biệt Hòn Gai

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Cửa Ông được tách khỏi châu Cẩm Phả trở thành đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc Đặc khu Hồng Gai. Năm 1946, Cửa Ông lại được sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên.

Tháng 12 năm 1948, cùng với việc chia Liên tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai trực thuộc Liên khu I, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I đã quyết định tách một số xã ven châu Cẩm Phả để thành lập huyện Cẩm Phả trực thuộc Đặc khu Hồng Gai. Năm 1950, xã Hùng Thắng được tách khỏi châu Cẩm Phả nhập vào thị xã Hồng Gai.

Tháng 11 năm 1950, chính quyền bảo hộ Pháp đổi châu Cẩm Phả thành quận Cẩm Phả gồm có hai thị xã: Cẩm Phả (gọi là Cẩm Phả Mỏ) và Cửa Ông (gọi là Cẩm Phả Bến).

Ngày 22 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng bao gồm Đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên. Cửa Ông tách khỏi Cẩm Phả trở thành đơn vị hành chính độc lập. Thị xã Cẩm Phả và thị xã Cửa Ông đều trực thuộc khu Hồng Quảng. Cuối năm 1956, thị xã Cửa Ông lại được sáp nhập vào thị xã Cẩm Phả. Thị xã Cẩm Phả khi được sáp nhập gồm các khu phố: Đông Hải, Nam Hải; thị trấn Cửa Ông và 4 xã: Cẩm Bình, Quang Hanh, Thái Bình, Tam Hợp (gồm ba thôn: Đá Chồng, Rừng Thông, Hòn Một). Tháng 1 năm 1968, trước yêu cầu trong việc sắp xếp cho nhân dân sơ tán, thị xã thành lập khu phố Công Nhân.

Ngày 18 tháng 3 năm 1969 theo Quyết định số 142/NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thị trấn Cọc 6 được thành lập. Năm 1971, thị trấn Mông Dương được thành lập. Thời kỳ này, thị xã Cẩm Phả gồm có 3 khu phố: Đông Hải, Nam Hải, Công Nhân; 3 thị trấn: Cọc 6, Cửa Ông, Mông Dương và 4 xã: Cẩm Bình, Quang Hanh, Tam Hợp, Thái Bình.

 Ngày 02 tháng 3 năm 1973, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 214-CP về việc xóa xã Tam Hợp và khu phố Công Nhân để thành lập khu phố Tam Hợp.

Ngày 5 tháng 3 năm 1975, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 147-TC/UB về việc giải thể các Ban hành chính khu phố: Đông Hải, Tam Hợp, Nam Hải và chia thành 9 tiểu khu gồm: Tiểu khu Hòn Một, Tiểu khu Rừng Thông, Tiểu khu Đập nước, Tiểu khu Đá Chồng, Tiểu khu Lao Động, Tiểu khu Nam Hải, Tiểu khu Lán Ga, Tiểu khu Đông Hải, Tiểu khu Cọc III. Mỗi Tiểu khu thành lập "Ban đại diện hành chính tiểu khu".

Theo Quyết định số 19-CP ngày 16 tháng 01 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn và đổi tên một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, giải thể xã Văn Châu thuộc huyện Cẩm Phả và chuyển đất đai và dân cư của xã này về xã Cộng Hòa cùng huyện quản lý; sáp nhập xã Dương Huy của huyện Hoành Bồ và xã Cộng Hòa của huyện Cẩm Phả vào thị xã Cẩm Phả.

Ngày 10 tháng 9 năm 1981, theo Quyết định số 63/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tại thị xã Cẩm Phả: Giải thể thị trấn Mông Dương để thành lập phường Mông Dương và xã Cẩm Hải. Giải thể thị trấn Cửa Ông để thành lập phường Cửa Ông (trừ phần đất của phân khu 6 cắt cho xã Thái Bình). Giải thể thị trấn Cọc 6 và xã Thái Bình để thành lập hai phường lấy tên là phường Cẩm Phú và phường Cẩm Thịnh. Sau khi phân vạch lại địa giới, thị xã Cẩm Phả gồm 11 phường: Mông Dương, Cửa Ông, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cẩm Tây, Cẩm Thành, Cẩm Trung, Cẩm Thủy, Cẩm Thạch và năm xã Quang Hanh, Dương Huy, Cẩm Bình, Cộng Hoà, Cẩm Hải.

Ngày 16 tháng 8 năm 2001, theo Nghị định số 51/2001/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoành Bồ để mở rộng thành phố Hạ Long và thành lập phường thuộc thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, chuyển 2 xã Cẩm Bình và Quang Hanh thành 2 phường có tên tương ứng. Ngày 06 tháng 1 năm 2005, theo Quyết định số 13-QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị xã Cẩm Phả được công nhận là đô thị loại III. Ngày 21 tháng 2 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc thành phố Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cẩm Phả.

Cùng với sự thay đổi tên gọi hành chính, tên gọi của Đảng bộ Cẩm Phả cũng thay đổi theo các mốc thời gian gắn liền với sự phát triển của thành phố Cẩm Phả: Đầu năm 1929, chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập ở Cửa Ông và Cẩm Phả, đây là chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở khu mỏ, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của nhân dân Cẩm Phả, thể hiện tính thống nhất của đội ngũ công nhân mỏ và sự chuyển biến nhanh chóng về chất trong phong trào công nhân ở đây. Cuối tháng 7 năm 1929, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng về giải tán các chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Cẩm Phả - Cửa Ông được thành lập. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Cẩm Phả - Cửa Ông được thành lập. Tháng 4 năm 1930, Đảng ủy mỏ Hồng Gai - Cẩm Phả được thành lập. Tháng 9 năm 1930, xứ ủy Bắc Kỳ quyết định tách Đảng ủy mỏ Hồng Gai - Cẩm Phả thành hai Đảng ủy: Đảng ủy mỏ Hồng Gai và Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của cách mạng ở khu mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông. Tháng 3 năm 1945, Mặt trận Việt Minh ở Cẩm Phả - Cửa Ông được xây dựng. Hạ tuần tháng 9 năm 1945, Ủy ban nhân dân lâm thời châu Cẩm Phả được thành lập. Sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 06-1-1946, vào đầu tháng 5 năm 1946 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Cẩm Phả và Cửa Ông được thành lập, đây là chi bộ ghép gồm đảng viên hoạt động ở Cửa Ông - Cẩm Phả. Tháng 9 năm 1946, chi bộ Đảng sau Cách mạng Tháng Tám được thành lập, lúc này Đảng ta đã rút vào hoạt động bí mật nên chi bộ có tên gọi là “Công nhân cứu quốc Hội”. Đầu tháng 4 năm 1947, Chi bộ Đảng ở Cẩm Phả được tái lập. Cuối tháng 11 năm 1947, Ban Chấp hành Đảng bộ phân khu B bao gồm: Cẩm Phả, Cửa Ông và các xã đảo (thuộc huyện Vân Đồn ngày nay) được thành lập. Tháng 4 năm 1947, chi bộ Đảng Cửa Ông cũng được tái lập. Tháng 3 năm 1949, Ban cán sự thị xã Cẩm Phả được thành lập. Từ tháng 3 năm 1950, thị xã Cẩm Phả không còn Ban cán sự, chỉ có 1 đồng chí Đặc khu ủy trực tiếp chỉ đạo phong trào. Đến cuối năm 1950, ở Cẩm Phả - Cửa Ông đã thành lập được 3 chi bộ: Chi bộ Cửa Ông, chi bộ nội thị Cẩm Phả, chi bộ ghép Cẩm Bình - Quanh Hanh. Tháng 5 năm 1951, Ban cán sự Liên thị Cẩm - Cửa (thị xã Cẩm Phả và thị xã Cửa Ông) được thành lập. Ngày 22 tháng 2 năm 1955, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định thành lập Khu Hồng Quảng, theo quyết định đó, thị xã Cẩm Phả và thị xã Cửa Ông được thành lập, Khu ủy Hồng Quảng đã quyết định thành lập Ban cán sự thị xã Cẩm Phả và Ban cán sự thị xã Cửa Ông. Theo Nghị quyết số 299 NQ/KU ngày 12 tháng 11 năm 1956 về “Sáp nhập thị xã Cửa Ông và thị xã Cẩm Phả thành thị xã Cẩm Phả, lập ra Thị ủy Cẩm Phả trực thuộc Khu ủy, quản lý toàn diện thị xã”. Ngày 23 tháng 7 năm 1957, Khu ủy Hồng - Quảng ban hành Nghị quyết số 233 NQ/KU về việc giải tán Thị ủy lập Ban cán sự thị xã Cẩm Phả. Ngày 30 tháng 12 năm 1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 265 NSTW về việc thành lập Đảng bộ thị xã Cẩm Phả với 21 chi bộ và 280 đảng viên. Ngày 21 tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc thành lập thành phố Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cẩm Phả, Đảng bộ thị xã Cẩm Phả được đổi thành Đảng bộ thành phố Cẩm Phả.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Thành phố Cẩm Phả nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Đông giáp huyện Vân Đồn; Tây giáp huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long; Nam giáp Vịnh Bái Tử Long; Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Tiên Yên. Có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 phường: Quang Hanh, Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Sơn, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh, Cửa Ông, Mông Dương và 03 xã: Dương Huy, Cộng Hòa, Cẩm Hải.

Thành phố Cẩm Phả có diện tích tự nhiên 486,45 km2, địa hình chủ yếu là đồi núi. Đồi núi chiếm 55,4% diện tích, vùng trung du 16,29%, đồng bằng 15,01% và vùng biển chiếm 13,3%. Địa hình Cẩm Phả có đặc điểm khá phức tạp: Phía Bắc là dãy núi thấp và đồi chạy theo hướng Tây - Đông (thuộc vòng cung Đông Triều), trong đó núi đá chiếm tới 2590ha. Núi cao nhất là ở Quang Hanh: núi Đèo Bụt 452m, núi Khe Sím hơn 400m. Vịnh Bái Tử Long với hàng trăm hòn đảo nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi và đảo đất che chắn nên thuận lợi cho việc phát triển cảng biển và giao thông đường thủy.

 Đến năm 2015, dân số thành phố có trên 195.000 người, mật độ dân số 403 người/km2, gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Hoa, Cao Lan, Mường, Thái, Khơme, Thổ; trong đó dân tộc Kinh chiếm 94,94%, còn lại là các dân tộc khác. Dân cư của thành phố được phân bố tập trung chủ yếu dọc theo hai bên quốc lộ 18A từ Quang Hanh đến Cửa Ông trên diện tích dài và hẹp.

Trải rộng từ tọa độ địa lý từ 20o58'10 - 21o12' vĩ độ bắc đến 107o10' - 107o23'50 kinh độ đông, Cẩm Phả nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông lạnh, ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, độ ẩm trung bình 84,6%, lượng mưa hàng năm 2.307 mm. Mùa lạnh, nhiệt độ không khí trung bình dưới 200C. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 250C. Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Cẩm Phả bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa đông thường có sương mù, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Biển có vai trò chi phối tới khí hậu Cẩm Phả khá sâu sắc. Mặt thuận lợi thể hiện ở khả năng điều hòa của biển. Trong vùng đồng bằng duyên hải và nhất là vùng hải đảo, khí hậu nói chung ấm hơn về mùa đông, mát hơn về mùa hạ. Mặt có hại là thường phải chịu thiên tai hằng năm như: bão lớn và áp thấp nhiệt đới có cường độ cao...

Cẩm Phả với nhiều tài nguyên phong phú, có rừng, có biển và nhiều tài nguyên khoáng sản. Than đá là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý với trữ lượng hàng tỷ tấn. Than Cẩm Phả được xếp vào loại tốt trên thế giới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Đá vôi là một khoáng sản có trữ lượng lớn, chiếm vị trí kinh tế quan trọng của thành phố, cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Thiên nhiên ưu đãi cho Cẩm Phả nguồn nước khoáng lớn, có giá trị giải khát và chữa bệnh, được nhiều người ưa chuộng.

Thành phố có diện tích đất lâm nghiệp khá rộng với 13.504ha, trong đó rừng tự nhiên 12.094ha, đất có rừng trồng 1.410ha, rừng nguyên sinh và rừng trồng vừa có tác dụng cân bằng hệ sinh thái vừa cung cấp lâm sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Cẩm Phả có bờ biển dài 73 km với nhiều cảng lớn nhỏ đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, trong đó cảng Cửa Ông, cảng Hòn Nét là một trong những cảng biển lớn của cả nước tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu với quốc tế. Biển Cẩm Phả dồi dào hải sản, mỗi năm cung cấp hàng ngàn tấn hải sản phục vụ đời sống nhân dân, có các bãi triều rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Vịnh Bái Tử Long với hàng trăm hòn đảo, cùng với nhiều hang động với những cảnh quan kỳ thú và sự độc đáo của địa hình, địa mạo vẫn luôn làm ngỡ ngàng du khách và các nhà khoa học về sinh thái và về các giá trị văn hóa, lịch sử... sẽ là nơi tham quan du lịch cho khách bốn phương, tạo nên lợi thế phát triển du lịch, bảo vệ quốc phòng an ninh của thành phố, của tỉnh Quảng Ninh và khu Đông Bắc Tổ quốc.

III. KINH TẾ - XÃ HỘI

Từ ngày thị xã Cửa Ông được sáp nhập vào thị xã Cẩm Phả (12-11-1956), với vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, cán bộ, nhân dân các dân tộc Cẩm Phả đã có sự cố gắng vượt bậc để đưa thị xã vùng mỏ vinh quang năm xưa trở thành một trong những địa phương công nghiệp lớn của tỉnh. Ngày 06 tháng 01 năm 2005, thị xã Cẩm Phả được Bộ trưởng Bộ xây dựng ra quyết định số 13/QĐ-BXD công nhận là đô thị loại III. Sau 7 năm xây dựng, năm 2011 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cẩm Phả trên 14%, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 10.500 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách thành phố là 751 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.300 USD, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cẩm Phả đã vượt nhiều chỉ tiêu, tiêu chí về thành phố trực thuộc tỉnh và là điều kiện tiên quyết để ngày 21 tháng 2 năm 2012 Cẩm Phả trở thành thành phố thuộc tỉnh, một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển hiện đại của tỉnh Quảng Ninh, cầu nối giữa hai thành phố Hạ Long, Móng Cái (2 trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của tỉnh). Thành phố Cẩm Phả từ năm 2012 trở lại đây với tốc độ phát triển kinh tế cao hằng năm đạt từ 8,7% đến 14,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 3.403 USD/năm, năm 2014 đạt 4.700 USD/năm đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có các doanh nghiệp khai thác, chế biến, vận chuyển than thuộc Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và 01 nhà máy xi măng, 03 nhà máy nhiệt điện và các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, vật liệu xây dựng; phát triển trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ và một số doanh nghiệp phụ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác hoạt động. Với lợi thế về tài nguyên, cảng biển, du lịch… Cẩm Phả quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020, là “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sau hơn ba năm được công nhận thành phố (2/2012-7/2015), Cẩm Phả có nhiều đổi thay với sắc diện mới. Những người đã từng gắn bó với địa danh này, nay trở lại dễ dàng nhận ra những đường trục chính vừa mới được nâng cấp, mở rộng, hiện đại. Các tuyến đường liên phường, nội phường, nội phố cũng được xây dựng hoàn chỉnh; lòng đường, vỉa hè được mở rộng, thoáng sạch với đầy đủ hệ thống chiếu sáng. Không khí sôi động của vùng mỏ như tụ cả về nơi đây. Năm 2014, dẫu kinh tế đất nước vẫn chịu tác động của suy giảm nhưng kinh tế thành phố tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 14%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch từ 9-10%) và cao hơn tốc độ tăng trưởng của tỉnh là 8,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 0,89%; công nghiệp - xây dựng chiếm 74,18%; thương mại - dịch vụ chiếm 24,93%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm (tương đương là 4.700 USD/người/năm). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.066,8 tỷ đồng, tăng 14,24% so với kế hoạch tỉnh giao, tăng 8,76% so với kế hoạch thành phố phân khai. Tổng chi ngân sách địa phương (2 cấp) thực hiện là 1.040,874 tỷ đồng, tăng 45,87% so với kế hoạch tỉnh giao, tăng 9,99% so với kế hoạch thành phố giao, trong đó, chi đầu tư phát triển cả hai cấp đạt 408,678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39,26% trong tổng chi ngân sách thành phố. Nhiều lĩnh vực tiếp tục duy trì tốc độ phát triển và tăng cao so với bình quân chung của toàn tỉnh Quảng Ninh.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế chung cao như hiện nay, Đảng bộ thành phố Cẩm Phả đã và đang bám sát các nghị quyết, các mục tiêu trong Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (trong đó có Cẩm Phả) để Cẩm Phả trở thành đô thị loại II vào trước năm 2020 và trở thành một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vì vậy, những năm qua thành phố đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra. Bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để Cẩm Phả phát triển ổn định, bảo đảm nguồn thu ngân sách, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã đổi mới công tác quản lý điều hành; thực hiện phân cấp, phân nhiệm triệt để cho cơ sở; tạo môi trường thông thoáng thuận lợi, cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các ngành công nghiệp chủ đạo như: Than, nhiệt điện, xi măng. Thành phố cũng đã tạo những bước đột phá trong quy hoạch, trong đó có quy hoạch mở rộng khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Cửa Ông và một số đô thị vệ tinh; quy hoạch cảng biển, cảng du lịch; các cụm công nghiệp phụ trợ; các khu vui chơi giải trí; công viên cây xanh; từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông-lâm-thủy sản.

Với lợi thế về cảng biển, du lịch như Cửa Ông, Hòn Nét, Vịnh Bái Tử Long… Cẩm Phả còn là "trung tâm công nghiệp than" lớn nhất của cả nước. Trong thời gian tới, Cẩm Phả sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh; nhất là các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành, hiệu quả làm việc của bộ máy chính quyền các cấp trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; xây dựng bộ máy chính quyền đô thị mang tính chuyên nghiệp. Để xứng đáng với truyền thống cách mạng bất khuất của khu mỏ anh hùng, Cẩm Phả xác định: Từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố tiếp tục đổi mới toàn diện, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư phát triển Cẩm Phả với giải quyết vấn đề về môi trường gắn với khai thác quỹ đất hiệu quả; quan tâm phát triển cảng biển, bến du thuyền, đồng thời có các đột phá về khai thác các tiềm năng phát triển du lịch; có giải pháp huy động nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công - tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động sức mạnh tổng hợp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn để tập trung phát triển.

Để trở thành thành phố công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững với môi trường; là đô thị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững từ “nâu” sang “xanh”. Thành phố Cẩm Phả đang thực hiện các giải pháp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải các bãi thải, nước thải sinh hoạt, nước thải mỏ; có các giải pháp về quản lý đất đai; hướng tới tăng tỷ trọng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để Cẩm Phả trở thành thành phố công nghiệp, cảng biển theo hướng văn minh hiện đại trước năm 2020, đô thị loại I trước năm 2030; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển công nghiệp khai thác, công nghiệp cảng biển, đóng tàu, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, chế tạo thiết bị điện, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nếp sống văn minh đô thị và xây dựng văn hóa và con người Cẩm Phả phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa xứng đáng là cực tăng trưởng trong hành lang kinh tế động lực của tỉnh Quảng Ninh.

IV. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VÀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

Cẩm Phả là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, là nơi quần tụ của hệ dân cư thuần Việt sinh sống, tạo nên hệ di tích văn hóa vật thể phong phú. Những di chỉ do ngành khảo cổ học phát hiện ở xã Tam Hợp (phía Bắc đường 18A từ phường Cẩm Thành đến phường Cẩm Thạch ngày nay) chứng tỏ ở đây đã có người Việt cổ cư trú từ thời đại đồ đá mới. Qua nghiên cứu các sự kiện và di tích lịch sử, các giá trị văn hóa còn lưu giữ được đến nay chứng minh qua các thời kỳ, nhân dân các dân tộc Cẩm Phả đã kiên trì nhẫn nại, anh dũng kiên cường trong đấu tranh cải tạo tự nhiên và chống lại sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, ghi vào sử sách những trang oanh liệt với những chiến công vang dội như trận Vân Đồn - Cửa Lục tháng 2 năm 1288 đánh tan đoàn thuyền lương của quân xâm lược Nguyên - Mông.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cẩm Phả có 24 di tích lịch sử, văn hóa và các danh thắng đã được xếp hạng, đề nghị xếp hạng và có quyết định bảo tồn. Tiêu biểu là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đền Cửa Ông thuộc phường Cửa Ông.  Đây là Đền thờ hai vị anh hùng của dân tộc đã có công lao lớn trong sự nghiệp đánh giặc và bảo vệ đất nước, đó là: Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và Hoàng Cần. Đền Cửa Ông được nhân dân xây dựng để ghi nhớ công lao của người anh hùng Trần Quốc Tảng là người có công lớn trấn ải vùng Cửa Suốt - Hải Đông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII.

Cẩm Phả là địa phương có bề dày truyền thống hiếu học. Trước khi tiếp quản khu mỏ (22-4-1955), Cẩm Phả chỉ có một cơ sở dạy và học gồm một dãy nhà cấp 4 tương đương với cấp Tiểu học hiện nay cho con em chủ mỏ. Sau năm 1955 đến nay đã có sự phát triển vượt bậc: Năm học 1956 - 1957, năm học đầu tiên sau khi giải phóng khu mỏ, tại Cẩm Phả mới có các lớp cấp I và một lớp 5. Đến năm học 1960 - 1961, bắt đầu có một lớp cấp III. Cùng với sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cẩm Phả tập trung chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp, kiên cố, cao tầng. Hiện nay, thành phố Cẩm Phả có 62 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, 01 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm dạy nghề và 02 trường cao đẳng nghề. Giáo dục đào tạo phát triển cả về quy mô, chất lượng, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh, có vai trò thúc đẩy hình thành “xã hội học tập” trên địa bàn thành phố. Chất lượng giáo dục ngày được nâng lên rõ rệt ở tất cả các cấp học và các loại hình đào tạo, số học sinh giỏi các cấp học, bậc học tăng hàng năm, số học sinh đỗ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng cao. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cao tầng hoá trường học và trường chuẩn Quốc gia luôn được thành phố quan tâm. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 50/62 trường (đạt 80,6%) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (trong đó: Mầm non: 14/16 trường; Tiểu học: 20/22 trường; THCS: 12/17 trường và THPT: 4/7 trường). 16/16 phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng và có trường học cao tầng. 100% các trường thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thành phố đã đạt và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2014, thành phố đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

V. BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH


Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1388
Đã truy cập: 11973894