Các điểm du lịch trên địa bàn thành phố

30/01/2018

1. ĐỀN CỬA ÔNG

Đền Cửa Ông nằm trên một ngọn đồi cao khoảng 100m, thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long về phía Đông Bắc khoảng hơn 30 km. Đền Cửa Ông có thế “Tọa sơn hướng hải”, hội tụ được các lợi thế về phong thủy: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, trước mặt có Minh Đường (vịnh Bái Tử Long), sau lưng có Huyền Vũ (là thung lũng trù phú nơi tụ cư của dân cư đông đúc, xa hơn là dãy núi chạy dài đến Mông Dương làm thế dựa vững chắc).  Đặc biệt địa thế của Đền Cửa Ông là nơi kết huyệt, nơi tụ khí “Phong tàng thủy đãng”, cùng với quần thể kiến trúc của đền vừa cổ kính, tôn nghiêm và khang trang trên một vị trí “sơn thủy hữu tình” tuyệt đẹp của Cửa Ông - “Miền đất thiêng”.

 

 

Cửa Ông là một trong những ngôi đền hiếm có thờ tương đối đầy đủ gia thất nhà Trần với chủ thần đền là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần là những dũng tướng tài ba thao lược thời nhà Trần như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Đỗ Khắc Chung, Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần,... Hiện nay, ở Đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc công phu.

 

Cửa Ông từ xa xưa đã là một bến thuyền cổ mang tên Cửa Suốt. Ngay từ đầu Công Nguyên, con đường bộ, tiền thân của đường 18A và con đường thủy ven bờ biển tỉnh Quảng Ninh đi qua các hải đảo, qua Cửa Suốt đã hình thành. Cửa Suốt nằm trên chỗ thắt của các con đường thủy, bộ quan trọng nối châu thổ Sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc nên được xác định là một vị trí chiến lược. Con đường thủy nước mặn tại vùng đất này lặng sóng, kín gió nên trong thư tịch cổ gọi là Đông Kênh. Từ Khâm Châu (Trung Quốc) đi theo con đường thủy này đến cửa sông Bạch Đằng mất tám ngày. Từ khi thương cảng buôn bán với nước ngoài được mở tại Vân Đồn (tháng 2 năm 1149), thuyền bè Trung quốc và các nước láng giềng khác theo con đường thủy Đông Kênh vào vịnh Hạ Long càng thêm tấp nập. Để kiểm soát và đánh thuế thuyền bè ngoại quốc đi lại trên con đường thủy Đông Kênh vào ra cảng Vân Đồn, nhà nước phong kiến Việt Nam lập ra các trạm hải quan dọc bờ biển, trong đó có Cửa Suốt. Trạm hải quan gọi là đồn Suất ti tuần, về sau gọi chệch thành Cửa Suốt.          

 

Thần chủ của đền là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), một danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến thứ hai và thứ ba chống quân xâm lược Nguyên Mông: Cuốn Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên in năm Thành Thái thứ 12 (1900) đã chép về việc Trần Quốc Tảng ra Cửa Suốt như sau: “… Quốc Tuấn Công cho rằng con trai tính ưa cương dũng ấy không tuân theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra Cửa Suất làm tuần ti xứ Tân Lương, huyện Yên Hưng, phủ Hải Ninh, lộ An Bang”. Năm Trùng Hưng năm thứ hai (1286), quân Nguyên lại kéo sang, Hưng Nhượng Vương bèn xin đem quân đi đánh để lập công chuộc lỗi. Ông tiến quân lập đồn ở xã Trách Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua ba ngày đêm, ông đem quân tiến thẳng đến trại quân Nguyên đóng ở cửa sông Bạch Đằng…. đánh vào trại giặc, chỉ một khắc là đánh thắng. Trở về triều, ông được phong làm Suất ti tuần Đại An, được cử ra Cửa Suốt trấn giữ.

 

Do những công lao to lớn với đất nước, với triều đình, Trần Quốc Tảng đã được vua Trần Anh Tông và cũng là con rể ông phong tước Đại Vương. Dã sử và truyền thuyết dân gian kể lại những ngày cuối đời, ông trở lại vùng Cửa Suốt và tạ thế một cách kỳ lạ, huyền bí ở khu Vườn Nhãn. Vua thấy Trần Quốc Tảng có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong làm Thượng đẳng phúc thần, ban cho 800 quan tiền cống, hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc nhà nước.

 

Đền Cửa Ông “nổi tiếng linh thiêng” từ xa xưa, nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái khẩn cầu đều được linh ứng. Di tích lịch sử - văn hóa Đền Cửa Ông được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 25/12/2017.

 

2. KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ DANH THẮNG VŨNG ĐỤC

 

 

Vũng Đục trước kia là một vùng nước xoáy sâu, nằm kẹp giữa dãy núi Bàn Cờ và núi Cạp Rùa. Từ thời pháp thuộc, để thuận tiện cho việc vận chuyển than về Pháp, thực dân Pháp đã cho xây dựng một con đường từ bến xe 52 ra Cảng Vũng Đục (chính là đường Vũng Đục ngày nay). Khi mưa xuống, nước mưa từ các dãy núi phía Tây dồn xuống tạo thành những dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm ra phía biển, trong đó có 01 dòng chảy ngầm chảy qua khai trường mỏ Mông Giăng, trên đường chảy, dòng nước ngấm vào bên trong vỉa than cháy (do các cuộc đấu tranh, chống phá của công nhân mỏ chống lại bọn chủ mỏ và thực dân Pháp tạo thành) tạo thành một dòng nước màu vàng suộm chảy ngầm theo con đường chở than chảy ra Vũng Đục. Vì vậy, những người công nhân khi đứng từ trên Mỏ Mông Giăng nhìn ra bờ biển phía Nam thì thấy nước biển tại Vũng Đục có màu vàng đục, trong khi các vùng biển khác nước rất trong xanh và cái tên Vũng Đục được hình thành từ đó.

 

Thời kỳ Pháp thuộc, những người ngư dân tại đây đã lập một ngôi đền nhỏ thờ Thánh Mẫu, Trần Triều...

 

Trong những năm 1946-1948, sau khi chiếm lại được khu mỏ Quảng Ninh, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân khu mỏ. Với chính sách “Dùng người Việt, trị người Việt” chúng thành lập tổ chức “Mật thám liên bang” là những tên tay sai, chỉ điểm để bắt những người dân yêu nước, những đoàn viên Công đoàn và Thanh niên cứu quốc tại các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, xóm thợ, dân phố... Vùng mỏ chìm trong không khí khủng bố đẫm máu, các cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng nề, cảnh sát, mật thám ngày đêm rình mò, bắt bớ. Hơn 300 đảng viên, đoàn viên công đoàn, hàng trăm công nhân, nhân dân bị cầm tù, tra tấn.

 

Vụ khủng bố ở Vũng Đục vào cuối năm 1948 là cuộc khủng bố đẫm máu nhất, dã man nhất, hàng trăm người bị bắt, hàng chục người sau khi dùng mọi cực hình tra tấn, chúng dùng dây thép gai, xâu tay, cho vào bao tải, buộc đá, đêm đêm dùng thuyền chở ra ngoài Vũng Đục dìm xuống biển. Trong số họ có người là lãnh đạo cốt cán, có người là quần chúng yêu nước, một số người tuổi đời còn rất trẻ, đang ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, sau sự kiện này, chẳng những phong trào cách mạng không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mãnh liệt hơn trong lòng những người công nhân mỏ. Đến nay, 8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga. Cùng với 8 liệt sĩ kể trên còn hàng trăm chiến sĩ, thợ mỏ yêu nước khác hiện đang yên nghỉ dưới khu vực Vũng Đục mà chưa thể biết được danh tính, chưa thể tìm được hài cốt. 

 

Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận hi sinh để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1993, Đảng bộ và nhân dân thị xã (nay là thành phố) Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.

 

Bên cạnh đó, trong dãy núi Bàn Cờ còn có hệ thống hang động tự nhiên với các nhũ đá lung linh, huyền ảo.

 

Khu di tích được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh vào năm 1999 (tại Quyết định số 413/QĐ-UB ngày 27/02/1999).

 

3. TRUNG TÂM KHOÁNG NÓNG ĐỊA CHẤT

 

 

Khoáng nóng Địa chất được xếp là một trong ba địa điểm nước khoáng Brom nổi tiếng nhất trên thế giới, nguồn nước khoáng nóng ở đây được khai thác từ nguồn khoáng nóng mặn tại Giếng khoan số 28 ở độ sâu 214m, nhiệt độ nước lên tới 55 độ C, tổng độ khoáng hoá 23% và đặc biệt hàm lượng Brom chiếm tỷ trọng 49% tổng độ khoáng. Với hàm lượng chất khoáng và đặc biệt nồng độ Brom, sử dụng dịch vụ ngâm tắm khoáng nóng rất có lợi cho sức khoẻ con người.

 

Trung tâm Khoáng nóng Địa chất với diện tích 3,5ha, trong đó diện tích khu điều dưỡng trên 1ha, được xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu năm 2000. Trung tâm có cảnh quan khá đẹp, phía trước là hồ nước, phía sau là dãy núi, đặc biệt là có mỏ nước khoáng nóng rất có ích cho hoạt động điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Trước đây, Trung tâm khoáng nóng Địa Chất chủ yếu là phục vụ cho công nhân ngành Than và người dân địa phương. Hiện nay, Trung tâm đã mở rộng thị trường khách (khách nội địa và quốc tế) và trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch của Thành phố.

 

4. ĐIỂM DU LỊCH BÃI TẮM LƯƠNG NGỌC

 

 

Bãi tắm Lương Ngọc là điểm du lịch hấp dẫn du khách và có kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ gần triệu lượt khách hằng năm; đồng thời công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo an toàn về phương án cứu hộ, cứu nạn; tổ chức thu gom rác thải làm sạch môi trường, nhà tráng ngọt, nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống dịch vụ (ăn uống, giải khát, nghỉ dưỡng, thuê phao, mô tô nước, xuồng cao tốc, cầu nhảy...), đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại bãi tắm.

 

Bãi tắm Lương Ngọc là bãi tắm tự nhiên, cách đường Quốc lộ 18A khoảng 2km về phía Bắc. Sau khi di chuyển trên đoạn đường hơn 2000m, du khách sẽ có cảm giác hơi khó chịu vì gió, bụi (do đường đến Bãi tắm chung với đường vận chuyển hàng hóa ra Cảng km6). Tuy nhiên, cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng được trút bỏ, thay vào đó là cảm giác thư thái, choáng ngợp như chốn thần thiên của cảnh vật, con người nơi đây.

 

Khi đến với bãi tắm Lương Ngọc, cảm nhận đầu tiên của du khách là sự thân thiện, chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là sự hòa quyện giữa đá, cát, núi và nước tạo nên khung cảnh nên thơ của bãi tắm: dải cát trắng chạy dài bao bọc dãy núi cùng các lối mòn tự nhiên ôm quanh chân núi xen lẫn thảm thực vật của vùng núi đá vôi hòa vào màu trong xanh của nước biển và ngập tràn trong nắng, gió của vùng vịnh Bái tử Long. Đến với bãi tắm Lương Ngọc du khách sẽ được đắm mình trong làn nước trong xanh của biển cả, đồng thời được tản bộ để thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ mà tự nhiên ưu đã ban tặng cho vịnh Bái Tử Long của thành phố Cẩm Phả.

 

Bãi tắm Lương Ngọc là minh chứng rõ nét của sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa phát triển và bảo tồn. Nhận thấy được giá trị, tiềm năng của vùng biển nơi đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển 324 đang đầu tư hệ thống các công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng của thiên nhiên, kết hợp với việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại (resort, trung tâm tổ chức hội nghị...) tạo lên không gian hài hòa đem đến cho du khách cảm giác thư thái, thoải mái, dễ chịu khác với sự ồn ào, náo nhiệt tại các bãi tắm khác trên cả nước.

 

 

5. ĐIỂM DU LỊCH BÃI TẮM QUẢNG HỒNG

 

Quảng Hồng là bãi biển hoang sơ mới được đầu tư, khai thác với cát trắng mịn và nước biển xanh trong, độ dốc thoai thoải và thơ mộng. Phía trước nhìn ra Vịnh Bái Tử Long là dãy núi xanh cao như một tấm bình phong, ngăn sóng dữ tràn vào Bãi tắm giúp mặt biển luôn êm dịu, hiền hòa ngay cả những ngày có gió to. Ngoài ra, nhờ dãy núi chắn phía trước mà vào mùa hè nước biển luôn xanh mát dịu, du khách có thể xuống tắm sớm hơn so với các bãi tắm khác. Không gian của Bãi tắm gần như tách biệt với không gian nhộn nhịp, sôi động của Thành phố công nghiệp. Tắm biển ở đây mang đến cho du khách một cảm giác thú vị giống như lạc vào giữa thiên nhiên, thả mình trong làn nước xanh thẳm để thưởng thức những gì còn hoang sơ của núi rừng và biển cả.

 

Đồng thời từ Bãi tắm còn giáp với cảng Vũng Đục để du khách có thể đi tham quan Vịnh Bái Tử Long với các đảo lớn nhỏ và các hang động đẹp: Đảo Đá Bàn, Hòn rều con, Đảo Ba Hòn, Đảo Bốn hòn, Đảo Ông cụ, Hòn Cửa Vọng, Hòn Độc xam, cụm Hang động Vũng Đục, Hang Luồn, Hang Địa Chất.... và thưởng thức các đặc sản biển nổi tiếng như: Cá song, cá giò, bề bề, tù hài, tôm, cua, ghẹ, cù kì, mực nang, mực ống…  Ngoài ra khi đến Bãi tắm Quảng Hồng du khách không những có thể tắm biển cùng người thân, bạn bè mà còn được tham gia vào các trò chơi thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền bãi biển...

 

 

 



Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 4142
Đã truy cập: 12200066