QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân Cẩm Phả” (Gọi tắt là Bộ quy tắc ứng xử) là những quy định xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn Thành phố nhằm giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Cẩm Phả “Đoàn kết- Bất khuất - Kiên cường - Kỷ luật và đồng tâm”. Qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của Thành phố, phát triển theo hướng chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” góp phần xây dựng Cẩm Phả giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình trở thành nơi đáng sống, là thành phố thanh bình, nhân văn, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Cẩm Phả:
(1) Ứng xử trong gia đình; ứng xử trong dòng họ; ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú (thôn, khu phố).
(2) Ứng xử nơi công cộng: Quảng trường, đường phố, công viên, vỉa hè, lòng đường, bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, bến xe ô tô, bến tầu thủy, trên các phương tiện công cộng, khi tham gia giao thông, khu vui chơi, giải trí, sân vận động, nhà thi đấu, khu vực tổ chức các sự kiện, điểm tham quan du lịch, điểm nghỉ dưỡng, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo...
(3) Ứng xử trên mạng xã hội
- Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc ứng xử là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn Thành phố Cẩm Phả.
Chương 2
QUY TẮC ỨNG XỬ CHUNG (QUY TẮC 5 T)
Điều 3. Thượng tôn pháp luật
- Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn.
- Tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương...
Điều 4. Tôn trọng bản thân và người khác
- Luôn là người tự trọng.
- Luôn biết nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi”.
- Trang phục, ngôn ngữ, thái độ đúng mực và phù hợp hoàn cảnh.
- Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác.
- Tôn trọng sự khác biệt và tự do cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Không phân biệt, miệt thị, dân tộc, vùng miền, tôn giáo, giới tính, người khuyết tật, xuất thân, giàu, nghèo...
Điều 5. Tôn trọng và bảo vệ môi trường
- Bảo vệ môi trường vì mình và vì thế hệ tương lai.
- Giữ gìn và xây dựng môi trường thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
- Sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
- Sử dụng sản phẩm, phương tiện thân thiện với môi trường, con người, cảnh quan thiên nhiên.
- Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống.
- Không gây ô nhiễm môi trường bằng khói bụi, khí độc, nguồn nước, mùi khó chịu, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng.
Điều 6. Thân thiện, văn minh, hào sảng
- Luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với người khác.
- Sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi cần thiết.
- Bình tĩnh, kiên nhẫn giải quyết bất đồng và mâu thuẫn.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống con người Cẩm Phả “Đoàn kết - Bất khuất - Kiên cường - Kỷ luật và Đồng tâm”.
Điều 7. Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
- Chăm sóc bản thân; tích cực tập thể dục, thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng.
- Không ngừng học tập nâng cao kiến thức và hiểu biết của bản thân.
- Không tham gia, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.
- Giữ gìn, phát huy giá trị di sản truyền thống, văn hóa của gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước.
- Luôn ưu tiên, giúp đỡ người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ, người yếu thế.
- Thẳng thắn, công khai, xây dựng khi góp ý kiến.
- Mỗi người dân Cẩm Phả là một hướng dẫn viên du lịch.
- Mỗi người dân đều nắm được lịch sử truyền thống của thành phố Cẩm Phả.
Chương 3
QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG TỪNG CỘNG ĐỒNG
Mục 1. QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH
Điều 8. Ứng xử vợ chồng: Thủy chung, nghĩa tình, bình đẳng
- a) Đối tượng áp dụng: Vợ, chồng được pháp luật công nhận theo Luật hôn nhân và gia đình.
- b) Nội dung ứng xử cụ thể:
- Nam, Nữ đến tuổi theo quy định kết hôn trên cơ sở tự nguyện.
- Sống nghĩa tình, hòa thuận, thủy chung, yêu thương.
- Bình đẳng, chia sẻ, cùng có trách nhiệm trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái.
- Đối xử bình đẳng và gánh vác công việc hai bên nội ngoại.
- Xây dựng gia đình là trách nhiệm của người chủ gia đình, vợ và chồng bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
- Có trách nhiệm và tạo điều kiện cho nhau cùng hoàn thành công việc mà tổ chức và xã hội phân công.
Điều 9. Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Trách nhiệm, gương mẫu, yêu thương
- a) Đối tượng áp dụng: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; ông bà nội, ông bà ngoại.
- b) Nội dung ứng xử cụ thể:
- Chịu trách nhiệm nuôi, dạy, chăm sóc khi con, cháu còn nhỏ.
- Là tấm gương tốt cho con cháu trong mọi cử chỉ, lời nói, hành động.
- Không phân biệt đối xử, bỏ rơi, ngược đãi, bạo hành con cháu.
- Trao truyền kinh nghiệm sống cho con cháu.
- Giáo dục, động viên con cháu, giữ gìn truyền thống, nề nếp, gia phong của gia đình, dòng họ.
Điều 10. Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Trách nhiệm, hiếu thảo, lễ phép
- a) Đối tượng áp dụng: Con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; cháu nội, cháu ngoại.
- b) Nội dung ứng xử cụ thể:
- Kính trọng ông bà, cha mẹ.
- Có trách nhiệm chăm sóc, động viên, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.
- Giúp đỡ ông bà, cha mẹ trong công việc của gia đình phù hợp với khả năng và độ tuổi.
- Không bỏ rơi, ngược đãi, bạo hành ông bà, cha mẹ.
Điều 11. Ứng xử của anh, chị, em với nhau: Hòa thuận, chia sẻ
- a) Đối tượng áp dụng: Anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
- b) Nội dung ứng xử cụ thể:
- Tôn trọng, yêu thương, hòa thuận, có trách nhiệm trong giải quyết công việc gia đình.
- Nhường nhịn, bảo nhau điều hay, lẽ phải; anh chị bao dung với em, em kính trọng anh chị.
- Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất, giúp đỡ nhau lúc vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
Mục 2. QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG DÒNG HỌ
* Đối tượng áp dụng: Các thành viên trong dòng họ (trên cơ sở quan hệ thân tộc).
Điều 12. Ứng xử giữa các thành viên trong dòng họ: Đoàn kết, vui buồn chia sẻ, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn
- Đoàn kết, tương trợ, chia sẻ lúc vui buồn, hoạn nạn.
- Giải quyết thấu tình đạt lý bất hòa trên cơ sở tình thân.
- Tôn trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn.
- Việc cưới, việc tang, giỗ chạp, xây dựng nhà thờ, mộ phần,... không phô trương, lãng phí, tuân thủ pháp luật.
Điều 13. Ứng xử trong việc lập và sử dụng quỹ họ: Công khai, minh bạch
- Quỹ họ được lập trên sự đồng thuận của các thành viên.
- Quản lý, sử dụng quỹ đúng đối tượng, mục đích và hiệu quả.
- Công khai, minh bạch mọi khoản thu chi.
- Khuyến khích lập Quỹ khuyến học để hỗ trợ khuyến tài, giúp con cháu học tập tốt.
Điều 14. Ứng xử giữa các dòng họ với nhau: Bình đẳng, đoàn kết
- Không gây hiềm khích, mất đoàn kết giữa các dòng họ.
- Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thấu tình đạt lý, tuân thủ pháp luật.
- Đoàn kết, tương trợ, chia sẻ lúc vui buồn, hoạn nạn.
Mục 3. QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG CỘNG ĐỒNG NƠI CƯ TRÚ (THÔN, KHU PHỐ)
* Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân, gia đình đang sinh sống, làm việc, học tập, tham quan và lưu trú khác trong cộng đồng nơi cư trú (làng, bản, khu phố.. .trên cơ sở quan hệ thôn, tổ dân phố, láng giềng) trên địa bàn Thành phố.
* Nội dung ứng xử cụ thể:
Điều 15. Tuân thủ quy định và thuần phong mỹ tục: An cư, lạc nghiệp
- Mọi cư dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tại nơi mình cư trú; tuân thủ các quy định và thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng.
- Tôn trọng, giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, nếp sống văn hóa, văn minh tại nơi cư trú.
- Cộng đồng nơi cư trú tôn trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Điều 16. Xây dựng quan hệ láng giềng: Đoàn kết, tương trợ
- Có trách nhiệm xây dựng và gìn giữ mối quan hệ thôn, khu phố, tổ dân, láng giềng tốt đẹp; đoàn kết, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, hủ tục, tập quán lạc hậu và hành vi vi phạm pháp luật.
- Đoàn kết, tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau những lúc vui, buồn, khó khăn, hoạn nạn.
- Giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, người yếu thế.
- Tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện với phương châm “lá lành đùm lá rách” tại cộng đồng.
- Bình tĩnh, nhường nhịn, giải quyết mâu thuẫn thấu tình đạt lý.
Điều 17. Chăm sóc và bảo vệ người già, trẻ em: Sống vui, sống khỏe, sống có ích, vì tương lai con em chúng ta
- Không ngược đãi hoặc dùng bạo lực xâm hại người già, trẻ em.
- Quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc người già, trẻ em.
- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho người già, trẻ em.
Điều 18. Bảo vệ môi trường sống: Xanh, sạch, đẹp, bền vững
- Thực hiện mục tiêu sạch nhà, sạch phố; Nhân dân tự nguyện trồng cây xanh, cây có hoa, cây hoa hồng trong gia đình và các tuyến đường để tạo cảnh quan môi trường đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Phân loại và đổ rác, phế thải theo quy định. Khuyến khích sử dụng túi, bình nước cá nhân, hạn chế sử dụng túi ni lông và các chế phẩm nhựa.
- Có trách nhiệm trồng và bảo vệ cây xanh, cây có hoa, hoa hồng cùng các nguồn lợi tự nhiên.
- Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan trong lành, thoáng mát.
- Bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là bảo vệ môi trường tại các mỏ than, nhà máy nhiệt điện, xi măng.
Điều 19. Ứng xử trong việc cưới: Trang trọng, tiết kiệm
- Tổ chức trang trọng, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí; Hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá, không tổ chức đánh bạc; Khuyến khích tổ chức tiệc ngọt, báo hỷ, trao giấy chứng nhận kết hôn tại UBND phường, xã.
- Không dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trường hợp cần thiết phải được phép của chính quyền địa phương nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông.
- Trang phục trang trọng, lịch sự; khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống trong các lễ hội.
- Không gây tiếng ồn quá quy định về độ ồn và thời gian cho phép.
- UBND các phường, xã gửi thư chúc mừng khi sinh con.
Điều 20. Ứng xử trong việc tang: Nghĩa tử là nghĩa tận
- Cộng đồng dân cư cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tham gia, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nhà hiếu.
- Tổ chức tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Hạn chế dùng rượu, bia, thuốc lá, không tổ chức đánh bạc; Không lợi dụng để hành nghề mê tín dị đoan.
- Không dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trường hợp cần thiết phải được phép của chính quyền địa phương nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông.
- Không gây tiếng ồn quá quy định về độ ồn và thời gian cho phép.
- Không chiếm dụng đất nông, lâm nghiệp để xây mộ; không xây mộ giả để chiếm đất; không xây dựng lăng mộ vượt quá khả năng của mỗi gia đình, khu dân cư bản địa.
- Khuyến khích tổ chức tang lễ ở những nơi có xây dựng nhà tang lễ.
Điều 21. Ứng xử trong văn hóa tín ngưỡng: Lành mạnh, tôn nghiêm
- Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân theo quy định của pháp luật.
- Có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại nơi cư trú.
- Tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật.
- Không tuyên truyền, phổ biến hoặc tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan.
Điều 22. Ứng xử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vật nuôi và cây trồng: Trách nhiệm, tự giác
- Sản xuất, kinh doanh phải đúng nơi quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và không gian chung của cộng đồng.
- Không sử dụng hóa chất và chất cấm trong sản xuất, kinh doanh làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.
- Tiêm phòng cho vật nuôi; không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh, gây ồn nơi công cộng.
- Không kinh doanh động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
- Không để cây trồng ảnh hưởng đến công trình, không gian của cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
Mục 4. QUY TẮC ỨNG XỬ NƠI CÔNG CỘNG
* Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.
* Nội dung ứng xử cụ thể:
Điều 23. Ứng xử chung ở nơi công cộng: Văn minh, lịch sự, đúng quy định
- Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội dung, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục tại nơi công cộng.
- Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; bảo vệ cảnh quan môi trường.
- Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực.
- Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội.
- Ưu tiên, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người yếu thế.
- Đấu tranh, phê phán hành vi sai trái; bảo vệ lẽ phải, người yếu thế.
- Ứng xử lịch sự văn hóa với khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài để giữ hình ảnh con người, hình ảnh của đất nước, Tỉnh, Thành phố.
Điều 24. Ứng xử tại vỉa hè, lòng đường: Đường thông, hè thoáng
- Có ý thức giữ gìn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan đường phố, thôn, xóm.
- Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, khuyến khích phân loại rác.
- Không tự ý chiếm dụng, thay đổi hiện trạng, đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường.
- Không treo, dán, đặt biển hiệu, biển quảng cáo trái phép gây ảnh hưởng đến không gian đô thị, thôn, xóm.
- Không tự ý chặt, nhổ cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan, môi trường.
Điều 25. Ứng xử tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên: Giữ gìn tài sản chung
- Tham gia bảo vệ, đóng góp, phát huy giá trị công trình.
- Không đập phá, làm đổ vỡ, viết bậy, bôi bẩn, dán quảng cáo, leo trèo lên các công trình, tượng đài, tác phẩm điêu khắc.
- Không hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp, phá rào, trèo cây, hái quả.
- Không bày, bán, ăn, nghỉ, vệ sinh tùy tiện ở những nơi không được phép, đặc biệt ở các danh thắng du lịch.
- Không nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ quốc gia, danh nhân văn hóa, người có công với quê hương, đất nước.
Điều 26. Ứng xử tại Trung tâm thương mại, Siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn: Văn minh, trung thực
- Niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm; giao tiếp, trao đổi đúng mực
- Kinh doanh, bảo quản và chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn.
- Xếp hàng khi mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và các chế phẩm từ nhựa.
- Không nói sai, cân đong gian dối; không mua, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc
- Không sử dụng lãng phí hàng hóa, đồ ăn, đồ uống. Sử dụng có kiểm soát rượu, bia và đồ uống có cồn.
- Bình tĩnh, khiêm nhường khi giải quyết mâu thuẫn.
Điều 27. Ứng xử tại nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, sân bay, trên các phương tiện công cộng: Lịch sự, theo hướng dẫn
- Giữ gìn trật tự, tôn trọng quy định chung.
- Xếp hàng, mua, giữ và xuất trình vé theo quy định.
- Tuân thủ theo hướng dẫn, điều tiết của người hướng dẫn.
- Nhường chỗ, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em.
- Không mua, bán hàng rong; không bày biện, ăn uống, ngủ nghỉ tùy tiện.
Điều 28. Ứng xử khi tham gia giao thông: An toàn, đúng luật
- Tự giác chấp hành luật giao thông; dừng xe nhường đường cho người đi bộ; bình tĩnh, nhường nhịn khi có va chạm giao thông.
- Hỗ trợ cấp cứu người bị nạn, cung cấp thông tin tới cơ quan công an khi xảy ra tai nạn giao thông.
- Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; cài dây bảo hiểm khi đi ô tô; mặc áo phao khi đi trên tàu, thuyền; Đi đúng tốc độ, làn đường quy định.
- Quan sát kỹ khi tham gia lưu thông; dừng, đỗ xe đúng nơi quy định.
- Không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.
- Không chở quá số người quy định; chở hàng hóa quá tải, quá khổ.
Điều 29. Ứng xử tại khu vui chơi, giải trí; điểm tham quan, du tịch: An toàn, thân thiện, vui vẻ
- Có thái độ thân thiện, niềm nở, nhiệt tình và mến khách
- Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm địa phương.
- Bảo vệ cảnh quan môi trường; cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
- Niêm yết giá công khai, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết; lấy sách hướng dẫn, bản đồ, tập gấp du lịch khi thực sự cần thiết; Kinh doanh sản phẩm hàng hóa an toàn.
- Không gây hình ảnh phản cảm, ấn tượng xấu tới du khách.
- Không chen lấn, xô đẩy, gây rối; ăn uống, ngủ nghỉ tùy tiện.
- Không tranh giành, chèo kéo du khách và nâng giá hàng hóa và dịch vụ trái quy định đối với khách du lịch.
- Không sử dụng đồ chơi kích động bạo lực gây nguy hiểm, độc hại, trái với thuần phong, mỹ tục.
Điều 30. Ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Thành kính, trang nghiêm
- Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống.
- Chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự.
- Không đặt, rải tiền tùy tiện; không nên đốt vàng mã.
- Không mặc trang phục, có hành vi phản cảm.
- Không hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
- Không chen lấn, xô đẩy, tranh cướp vật dụng, đồ lễ.
Điều 31. Ứng xử tại thư viện, nhà truyền thống: Trật tự, giữ gìn
- Hợp tác và tuân thủ theo hướng dẫn.
- Đóng góp, xây dựng và bảo vệ tài sản.
- Giữ gìn trật tự, hạn chế sử dụng điện thoại.
- Không tác động, làm hư hại tài liệu, hiện vật.
Mục 5. QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÔNG DÂN VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 32. Ứng xử với cơ quan, đơn vị cấp trên
- Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên, tạo mối quan hệ thân thiện, bền chặt, tin cậy tạo được sự ủng hộ của cấp trên để giải quyết công việc hiệu quả và nhanh nhất.
- Chủ động kịp thời đề xuất các kiến nghị về những vấn đề vướng mắc khi thực hiện các quy định của cấp trên.
- Tâm huyết góp ý vào các dự thảo gửi lấy ý kiến của cấp trên.
Điều 33. Ứng xử với cơ quan, đơn vị cấp dưới
- Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị cấp dưới.
- Quan tâm giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cơ quan, đơn vị cấp dưới.
- Đánh giá đúng, công bằng, công khai đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới. Khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều 34. Ứng xử với cơ quan, đơn vị ngang cấp
- Xây dựng mối quan hệ trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển.
- Luôn giải quyết công việc trên tinh thần tuân thủ pháp luật và tôn trọng quyền lợi giữa hai bên.
- Trường hợp xảy ra vướng mắc cần giải quyết trên nguyên tắc công bằng, thiện chí, hợp tác và tôn trọng giữa các bên liên quan.
- Thái độ ứng xử lịch thiệp, đúng nghi thức.
Điều 35. Ứng xử giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, nhân viên
- Phân nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
- Đánh giá đúng, công bằng, công khai năng lực của mỗi cá nhân. Khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Xây dựng và duy trì môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng và công bằng.
- Động viên, khuyến khích CBCNV tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương.
Điều 36. Ứng xử giữa cán bộ, nhân viên trong cùng cơ quan, đơn vị
- Thể hiện sự tôn trọng và cư xử đúng mực.
- Lằng nghe và tiếp nhận thông tin đồng nghiệp.
- Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc và lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
- Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.
- Không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp. Không được lợi dụng việc bất đồng và mâu thuẫn cá nhân để lôi kéo bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
Điều 37. Ứng xử giữa cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân viên với Nhân dân
- Tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho Nhân dân trong quá trình giải quyết công việc.
- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác các quy định về tiếp công dân. Tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định.
- Có thái độ niềm nở, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
- Không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.
Mục 6. QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
* Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan trên địa bàn thành phố Cẩm Phả tham gia mạng xã hội.
* Nội dung ứng xử cụ thể:
- ĐỐI VỚI CÁ NHÂN ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Điều 38. Ứng xử với chính mình
- Phải học cách tôn trọng chính mình.
- Phải hiểu rõ chính mình, phát huy điểm mạnh đồng thời khắc phục và hạn chế điểm yếu sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân về mọi mặt trong cuộc sống.
- Phải tin tưởng chính mình, không tự hạ thấp mình, ngược lại cũng không nên đánh giá quá cao bản thân.
- Trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn.
Điều 39. Tạo dựng uy tín cá nhân
- Tuân thủ luật an ninh mạng, ứng xử trên mạng xã hội như ứng xử ngoài cuộc sống.
- Chỉ đưa những thông tin chính xác, rõ ràng, minh bạch, văn minh, lịch sự lên mạng xã hội.
- Tôn trọng quyền riêng tư cá nhân; Suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi đăng tin, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ hình ảnh, video clip,... lên mạng xã hội.
- Tìm hiểu kỹ trước khi tham gia vào các cuộc đối thoại, chỉ tham gia khi đã hiểu nội dung, đánh giá cái được, cái mất.
- Quan tâm chia sẻ, tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng mạng theo hướng tích cực với ngôn từ văn minh, lịch sự;
- Không đăng thông tin, hình ảnh, clip,... liên quan đến người khác và không gắn thẻ khi chưa nhận được sự đồng ý của họ.
- Không tuyên truyền, cổ vũ cho các hành vi trái thuần phong, mỹ tục, trái với Pháp luật Việt Nam; không sử dụng ngôn ngữ gây thù ghét, bạo lực trên mạng xã hội.
- Không lợi dụng mạng xã hội để tư lợi cá nhân bất hợp pháp; Nếu mắc sai lầm, hãy thừa nhận và nhanh chóng sửa sai, khắc phục hậu quả.
Điều 40. Bảo vệ bản thân trên mạng xã hội
- Cài mật khẩu đủ an toàn cho các thiết bị kết nối mạng (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng,...).
- Không kết bạn với những tài khoản mạng xã hội khi không biết thông tin.
- Cẩn trọng khi mở các liên kết được chia sẻ; không trả lời các tin nhắn, E-mail đáng ngờ.
- Không tiết lộ thông tin cá nhân; Không sử dụng chức năng định vị khi không cần thiết.
- Tùy chỉnh cài đặt quyền riêng tư để kiểm soát những người có thể xem thông tin của mình.
- Bảo vệ các thiết bị kết nối mạng bằng cách cài đặt phần mềm chống vi-rút, đồng thời đảm bảo trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm luôn được cập nhật.
- Đăng xuất tài khoản khi sử dụng xong.
- Luôn có người đi cùng khi gặp gỡ người mới quen trên mạng xã hội.
Điều 41. Ứng xử trước vấn đề nảy sinh
- Không phản hồi, không trả đũa khi bị đe dọa vì nó sẽ làm phức tạp tình hình.
- Lưu lại bằng chứng liên quan đến việc bị đe dọa hay quấy rối. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân và cơ quan bảo vệ pháp luật.
- Sử dụng công cụ báo cáo của mạng xã hội khi bị đe dọa để chuyển tiếp nội dung xấu đến người bạn đáng tin cậy hoặc trực tiếp yêu cầu mạng xã hội gỡ nội dung không mong muốn xuống.
- Sử dụng các công cụ bảo mật trên mạng xã hội để chặn những kẻ đe dọa/quấy rối.
- ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Điều 42. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước
- Hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trên mạng xã hội.
- Ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản.
- Không sử dụng hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu của cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp và các bên liên quan nếu không được phép.
- Không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi tham gia mạng xã hội.
- Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các trang xấu, độc.
- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, xử lý thông tin.
- ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Điều 43. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mạng xã hội
- Đảm bảo sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo an toàn; công khai minh bạch các thông tin và giá cả.
- Không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
- Giao tiếp với khách hàng lịch sự, thân thiện, tư vấn nhiệt tình, có trách nhiệm; hỗ trợ tối đa khi cần thiết; bình tĩnh, kiên nhẫn xử lý những vấn đề phát sinh.
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng.
- Tự giác thanh toán, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ; đóng thuế đầy đủ.
- Cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
- ĐỐI VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
Điều 44. Cơ quan, tổ chức Nhà nước sử dụng mạng xã hội
- Phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ theo pháp luật.
- Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm những thông tin được đăng tải trên trang mạng xã hội của cơ quan, tổ chức mình.
- Công khai đầu mối chịu trách nhiệm quản trị, đăng tải nội dung lên trang mạng xã hội.
- Bảo mật thông tin của công dân khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua trang mạng xã hội.
- ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CUNG CẤP, QUẢN TRỊ MẠNG XÃ HỘI
Điều 45. Tổ chức, cá nhân cung cấp, quản trị mạng xã hội
- Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều kiện khi có yêu cầu tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
- Cảnh báo khả năng mất an ninh mạng trong việc sử dụng dịch vụ trên không gian mạng do mình cung cấp; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xây dựng các phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng.
- Có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; chỉ cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
- Định hướng khách hàng sử dụng mạng xã hội đúng luật; tư vấn những điều nên và không nên khi sử dụng mạng xã hội; tư vấn cho khách hàng các chế tài nếu có khi khách hàng sử dụng mạng xã hội không đúng luật.