I. Tổ chức bộ máy
|
- Đồng chí: Vũ Hải Phong
- Chức vụ: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP
- Trình độ chuyên môn: Đại học
- Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp
- Điện thoại: 0203.3855624
- Email: vuhaiphong@quangninh.gov.vn
|
|
- Đồng chí: Nguyễn Thị Kim Hoa
- Chức vụ: Nhân viên
- Trình độ chuyên môn: Đại học
- Điện thoại: 0982.144.445
- Email: nguyenthikimhoa@quangninh.gov.vn
|
II. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ Thành phố Khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác của Ban chấp hành, Ban thường vụ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố.
2. Các Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ và các tổ chức, cá nhân có quan hệ làm việc với Hội Chữ thập đỏ Thành phố chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội1. Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ; đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ.
2. Giải quyết công việc đúng phạm vi trách nhiệm, đúng thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố; sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có sự phân công cá nhân chịu trách nhiệm chính. Cấp trên không làm thay công việc cho cấp dưới, tập thể không làm thay công việc cho cá nhân và ngược lại. Người được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về công việc được giao.
4. Tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Ban thường vụ.
5. Đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc, bảo đảm dân chủ, minh bạch trong mọi hoạt động theo đúng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Thành Hội
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra cấp dưới thực hiện nghị quyết Đại Hội Chữ thập đỏ Thành phố và chủ trương, công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
2. Đánh giá kết quả công tác định kỳ và quyết định chương trình công tác mới.
3. Thông qua việc thu, chi, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ (nếu có).
4. Chỉ đạo việc xây dựng quỹ Hội; thu, chi Hội phí.
5. Cách thức giải quyết công việc của Ban chấp hành Thành Hội:
a) Thảo luận tập thể và quyết nghị từng vấn đề tại phiên họp Ban chấp hành.
b) Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải tổ chức thảo luận tập thể, theo chỉ đạo của Chủ tịch Thành Hội, văn phòng Thành Hội gửi văn bản xin ý kiến của từng thành viên Ban chấp hành.
c) Các quyết nghị tập thể của Ban chấp hành được thông qua khi có quá nửa số ủy viên đồng ý. Trường hợp xin ý kiến các ủy viên Ban chấp hành bằng hình thức phiếu lấy ý kiến thì:
- Trường hợp ý kiến đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo bên có ý kiến của Chủ tịch Thành Hội.
- Nếu vấn đề được quá nửa thành viên Ban chấp hành đồng ý, Văn phòng trình Chủ tịch quyết định và báo cáo trong phiên họp Ban chấp hành Thành Hội gần nhất;
- Nếu vấn đề không được quá nửa số ủy viên Ban chấp hành đồng ý thì Văn phòng báo cáo Chủ tịch Thành Hội quyết định việc đưa ra thảo luận tại phiên họp Ban chấp hành gần nhất.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thường vụ Thành Hội
1. Thay mặt Ban chấp hành chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của Hội giữa Hai kỳ họp Ban chấp hành và báo cáo kết quả với Ban chấp hành tại phiên họp gần nhất.
2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành.
3. Quyết định các biện pháp kịp thời vận động cứu trợ, trợ giúp đồng bào khi thiên tai, thảm họa xảy ra.
4. Chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, phân phối, sử dụng các nguồn cứu trợ, viện trợ.
5. Lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động cơ quan Thành Hội. Xây dựng cơ quan Thành Hội trong sạch, vững mạnh.
Điều 5. Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Thành Hội
1. Là người lãnh đạo và điều hành công việc Ban chấp hành, Ban thường vụ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội Chữ thập đỏ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Thành Hội, của cá nhân theo quy định và theo phân công, phân cấp. Trực tiếp chỉ đạo, giải quyết, kiểm tra những vấn đề quan trọng, cấp bách, những vấn đề có tính chất liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đơn vị và địa phương.
2. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình công tác Hội; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Hội cơ sở; kiến nghị đề xuất Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Thành Hội.
3. Phân công cho Phó chủ tịch phụ trách một số lĩnh vực hoạt động của Hội
4. Ủy quyền cho Phó Chủ tịch chỉ đạo công việc khi Chủ tịch đi vắng.
Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của Phó Chủ tịch Thành Hội
1. Được Chủ tịch Thành Hội phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác theo quy định; chỉ đạo bộ phận chuyên môn của cơ quan Thành Hội và Hội Chữ thập đỏ cơ sở.
2. Chịu trách nhiệm cá nhân về công tác của mình trước Ban chấp hành, Ban thường vụ và Chủ tịch Thành Hội, đồng thời cùng các ủy viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội trước Thành phố ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và Hội Chữ thập đỏ cấp trên.
3. Trong lĩnh vực công tác được phân công, Phó Chủ tịch có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Thành phố Hội và Hội cơ sở trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch Thành Hội, chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước về lĩnh vực được phân công;
b) Được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch trong việc quyết định giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công hoặc được ủy nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Thành Hội về quyết định đó.
c) Báo cáo và đề xuất với Chủ tịch xem xét, quyết định xử lý kịp thời công việc liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách đã phối hợp xử lý những ý kiến các bên chưa thống nhất.
4. Được Chủ tịch ủy quyền lãnh đạo công việc của cơ quan khi Chủ tịch đi vắng.
Điều 7. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội về công việc được phân công phụ trách, đồng thời tham gia giải quyết công việc chung của Ban chấp hành, Ban thường vụ; cùng các ủy viên khác của Ban chấp hành, Ban thường vụ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội trước Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành một hoặc một số lĩnh vực được phân công; giải quyết theo thẩm quyền và trình Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch Thành Hội giải quyết các đề nghị của cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
3. Tham dự đầy đủ các phiên họp Ban chấp hành, Ban thường vụ, trường hợp vắng mặt phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Thành Hội; tham gia ý kiến và biểu quyết về các vấn đề thảo luận tại phiên họp Ban chấp hành, Ban thường vụ; tham gia ý kiến với ủy viên khác của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội để xử lý các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc các vấn đề thuộc chức năng quản lý của mình.
4. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Thành Hội.
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn Ban kiểm tra Thành Hội
1. Tham mưu cho Ban chấp hành, Ban thường vụ kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Hội, tập trung kiểm tra Hội cấp dưới xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nghị quyết của Hội Chữ thập đỏ Thành phố; việc thực hiện nghị quyết của cán bộ, hội viên và tổ chức Hội cấp dưới; uốn nắn những sai sót trong việc thực hiện nghị quyết, đồng thời phát huy những nhân tố mới và nhân rộng những mô hình mới, những điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.
2. Kiểm tra hoạt động của ủy viên kiểm tra cấp dưới.
3. Kiểm tra cán bộ, hội viên và tổ chức hội cơ sở chấp hành Điều lệ Hội; kiểm tra ủy viên BCH Thành Hội khi được sự đồng ý của Ban thường vụ Thành Hội. Sau khi kiểm tra phải báo cáo để BCH, Ban thường vụ Thành Hội quyết định.
4. Đề xuất với Ban thường vụ Thành Hội chuẩn y, thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật của tổ chức Hội cơ sở.
5. Yêu cầu tổ chức Hội cơ sở và cán bộ, hội viên trình bày những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra và cung cấp tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra xác minh.
6. Kiến nghị với tổ chức Hội cơ sở tạm đình chỉ chức vụ hoặc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, hội viên trong trường hợp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra.
Điều 9. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của cán bộ phụ trách Văn phòng Thành Hội
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chấp hành, Ban thường vụ và các báo cáo khác theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Thành Hội.
2. Kiểm tra, đôn đốc các tổ chức Hội cơ sở thực hiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của Thành Hội.
3. Xây dựng, trình Ban chấp hành Thành Hội thông qua và giúp Ban chấp hành Thành phố Hội kiểm tra, đôn đốc, tổng kết việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Ban thường vụ; giúp Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Hội với các cơ quan có liên quan.
4. Bảo đảm các điều kiện làm việc và tổ chức phục vụ các hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thành Hội.
5. Quản lý thống nhất việc ban hành văn bản của Ban chấp hành, Ban thường vụ và Chủ tịch Thành Hội.
6. Giải quyết một số công việc cụ thể khác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch giao.
Điều 10. Quan hệ công tác của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội
1. Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và tỉnh Hội. Có trách nhiệm chấp hành và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh Hội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo chế độ quy định hoặc theo yêu cầu của tỉnh Hội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Ban chấp hành Thành Hội phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp trong việc tuyên truyền phát huy truyền thống nhân ái, tình thương yêu con người; tinh thần đoàn kết của dân tộc và tham gia hoạt động nhân đạo ở địa phương; tham gia xây dựng, củng cố chính quyền vững mạnh.
Điều 11. Thẩm quyền ký văn bản
1. Chủ tịch Thành Hội ký các văn bản sau đây:
a) Tờ trình, các báo cáo, công văn hành chính của Thành Hội gửi Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Thành ủy, UBND Thành phố, các cơ quan có liên quan;
b) Phó Chủ tịch ký thay Chủ tịch Thành Hội những văn bản thuộc lĩnh vực được Chủ tịch phân công phụ trách hoặc ủy quyền khi Chủ tịch đi vắng.
2. Văn phòng ký thừa lệnh Chủ tịch Thành phố Hội văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong các phiên họp Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành phố Hội, các văn bản giấy tờ khác khi Chủ tịch Thành Hội giao.
Điều 12. Phát hành, công bố văn bản
1. Văn phòng chịu trách nhiệm phát hành văn bản của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch Thành Hội trong thời gian không quá hai ngày, kể từ ngày văn bản được ký; bảo đảm đúng thủ tục, đúng địa chỉ.
2. Văn bản do Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội ban hành phải được phân loại, lưu trữ một cách khoa học và cập nhật kịp thời.
3. Văn phòng có trách nhiệm tổ chức việc quản lý, cập nhật, lưu trữ, khai thác văn bản phát hành, văn bản đến theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ và Quy chế làm việc của Ban chấp hành Thành Hội.
CHẾ ĐỘ HỘI HỌP VÀ THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 13. Phiên họp Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Hội
1. Chuẩn bị và triệu tập phiên họp
a) Ban chấp hành Thành Hội họp thường kỳ 6 tháng một lần. Ban thường vụ họp thường kỳ 3 tháng một lần. Thời gian triệu tập phiên họp do Chủ Thành Hội quyết định. Chủ tịch Thành Hội chủ tọa phiên họp, khi Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch thay Chủ tịch chủ tọa phiên họp.
b) Văn phòng có nhiệm vụ dự kiến chương trình và thành phần phiên họp, trình Chủ tịch Thành Hội quyết định; gửi giấy mời, tài liệu kỳ họp đến Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ trước 02 ngày; chuẩn bị các điều kiện phục vụ phiên họp.
2. Thành phần dự phiên họp
Tùy theo tính chất, nội dung phiên họp, Chủ tịch Thành Hội có thể mời thủ trưởng một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhân dân cùng cấp dự họp khi bàn về vấn đề có liên quan.
3. Văn phòng ghi biên bản và có trách nhiệm thông báo kịp thời bằng văn bản về ý kiến kết luận của chủ tọa phiên họp, gửi ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ và các tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện.
Điều 14. Họp xử lý công việc thường xuyên của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thành Hội
Họp hàng tuần: Nhằm kiểm tra tiến độ, kết quả công việc đã triển khai, giải quyết những vướng mắc, tồn tại và đề ra biện pháp hoàn thành; xử lý công việc mới phát sinh. Thời gian buổi sáng ngày thứ 2.
Điều 15. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Ủy viên BCH, Ban thường vụ có trách nhiệm báo cáo, phản ảnh kịp thời tình hình, kết quả tổ chức triển khai thực hiện các mặt công tác mình đảm nhiệm về văn phòng Hội hoặc trực tiếp với chủ tịch, phó chủ tịch.
2. Văn phòng có trách nhiệm tổng hợp tình hình và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường xuyên; đột xuất; báo cáo chuyên đề theo quy định của tỉnh Hội, Thành ủy, UBND Thành phố.
Điều 16. Tổ chức thực hiện Quy chế
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Ban chấp hành Thành Hội thông qua.
2. Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ, Thường trực, Ban kiểm tra có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có điều khoản nào chưa phù hợp hoặc phát sinh, các Ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ, Thường trực, Ban kiểm tra Thành Hội, các cơ sở Hội phản ảnh, kiến nghị với Thường trực Hội để trình BCH nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi.