MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

05/11/2018 10:04

Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 tại kỳ họp thứ 11. Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2015. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Bài viết này giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Luật

Một là, về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin: Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự sẽ thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ; người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam sẽ chỉ được cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.

Hai là, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin: Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra trừ trường hợp thông tin công dân không được phép tiếp cận. Đối với trường hợp thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì bên cạnh cung cấp thông tin do mình tạo ra còn cung cấp thông tin do mình nhận được.

Ba là, về cách thức tiếp cận thông tin: Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức bao gồm i) Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và ii) Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông thông tin.

Bốn là, về các hành vi bị nghiêm cấm: Luật quy định cấm các hành vi: (i) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin ; (ii) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực ; (iii) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức ; (iv) Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Năm là, về phạm vi thông tin được tiếp cận: Luật quy định công dân được tiếp cận tất cả thông tin của có quan nhà nước theo quy định của Luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Thông tin phải được công khai bao gồm thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước... và căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Hình thức công khai thông tin được thực hiện thông qua việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trên phương tiện thông tin đại chúng, Công báo, niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước...Luật cũng quy định về các thông tin được cung cấp theo yêu cầu bao gồm: (i) Thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; (ii) Thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật; (iii) Thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.

Sáu là, về trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin: Theo quy định của Luật, tùy từng trường hợp cụ thể mà tuân thủ trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể là:

Trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì có thể cung cấp ngay; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn tìm kiếm thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sau chép, chụp tài liệu.

Trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 03 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc. Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức: (i) gửi tập tin đính kèm thư điện tử; (ii) cung cấp mã truy cập một lần: (iii) chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin.

Trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 05 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 3051
Đã truy cập: 7043417