TP Uông Bí triển khai Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

23/03/2022 16:45

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố Uông Bí giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực tạo đột phá của sự phát triển; là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò là một trong những trung tâm phát triển năng động của tỉnh Quảng Ninh.

Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; bắt nhịp nhanh với xu hướng phát triển kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố; Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Uông Bí thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của tỉnh; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp huyện.

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố đã xây dựng một số chỉ tiêu chủ yếu: Đến năm 2025: (1) 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số. (2) 100% công việc ở cấp thành phố và cấp xã được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử (đặc biệt là trình ký văn bản điện tử, thực hiện các chức năng xử lý nội bộ). 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số. (3) 100% cơ quan khối Đảng liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc từ thành phố đến cấp xã (trừ các nội dung mật); tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. (4) Hết năm 2022, 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được đào tạo/bồi dưỡng/tập huấn và có kỹ năng số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định. (5) 100% cán bộ, công chức, viên chức được định kỳ hằng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; trong đó 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số. (6) Từ năm 2022, triển khai thực hiện việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính các cấp; đối với doanh nghiệp xác thực định danh điện tử qua cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp tử tỉnh đến xã và liên thông với Trung ương. Phấn đấu hết năm 2023: (1) Hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 2 cấp. (2) 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, họp trực tuyến, văn bản, báo cáo, ký số của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các phòng, ban, ngành, đơn vị của thành phố được thực hiện trên nền tảng số, đảm bảo tính liên thông, thống nhất, tổng thể. (3) 90% hồ sơ công việc tại thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ mật).

Thành phố đã đề ra 08 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. (2) Xây dựng cơ chế, chính sách. (3) Phát triển hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin gắn với bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. (4) Phát triển nguồn nhân lực. (5) Giải pháp phát triển Chính quyền số. (6) Giải pháp phát triển kinh tế số. (7) Giải pháp phát triển xã hội số. (8) Lựa chọn ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số phải chú trọng tới việc triển khai các giải pháp nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực tạo ra sự phát triển đột phá về công nghệ, nhất là công nghệ số và áp dụng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cụ thể: Lĩnh vực Y tế; Lĩnh vự giáo dục và đào tạo; Lĩnh vực du lịch; Lĩnh vực Tài nguyên môi trường; Lĩnh vực quản lý đô thị; Lĩnh vực công nghiệp.

Việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy Chuyển đổi số toàn diện. Thu hút sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân chủ động tham gia vào quá trình Chuyển đổi số, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng đơn vị.

Kim Thuỷ


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1675
Đã truy cập: 7031685