Nâng cao trách nhiệm công dân trong bảo vệ an ninh mạng

18/05/2022 09:06

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng để chung tay bảo vệ an ninh mạng, giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Trong đời sống xã hội hiện đại, tham gia không gian mạng là nhu cầu chính đáng của mỗi người trong mọi hoạt động giao tiếp, sáng tạo, lao động, tiêu dùng, học tập, vui chơi giải trí... Nhất là hiện nay Quảng Ninh là một trong những tỉnh tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh và luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành bộ máy.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, không gian mạng cũng tồn tại những luồng thông tin xấu, độc hại, tác động tiêu cực đến người sử dụng về nhiều mặt. Điển hình như các trường hợp tung thông tin giả về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhằm trục lợi cá nhân, gây hoang mang dư luận. Ngoài ra còn có các trường hợp tung thông tin sai sự thật, hình ảnh cắt ghép... làm cho nhiều tổ chức, đơn vị bị vu khống, nhiều cá nhân bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, lý do dẫn đến sai phạm đa dạng, có khi là cố tình với mục đích kích động, chống phá, hoặc có thể làm để cho vui, thu hút sự chú ý; có lúc là vì chủ quan cá nhân, người đăng không có kỹ năng, ý thức về việc kiểm chứng nguồn tin, chia sẻ thông tin theo phong trào. Ngoài ra, còn các hành vi đánh cắp dữ liệu cá nhân, xúi giục phạm tội, lừa đảo qua mạng...

Để môi trường không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh, an toàn hơn, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng ngày càng được chú trọng. Đặc biệt là từ khi Luật  An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia. Tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh.

Từ đó, rất nhiều thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, xâm phạm trật tự an toàn xã hội đã được lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nghiêm, trong khi quyền tự do ngôn luận của mọi người dân vẫn được đảm bảo theo đúng pháp luật. Các đối tượng đều phải chịu xử phạt theo quy định, phải chủ động thu hồi, đính chính thông tin, xin lỗi công khai. Thông tin về các vụ việc vi phạm cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an, thì mỗi công dân cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội để góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng. Cụ thể, bằng việc chủ động trang bị cho mình kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội thường đăng tải thông tin xấu, độc. Cảnh giác, thận trọng, sàng lọc thông tin bằng thói quen kiểm chứng cơ sở nguồn tin, đối chiếu nội dung với các trang chính thống; hoặc đơn giản hơn là không chia sẻ, truy cập vào những địa chỉ lạ, không để lộ thông tin, dữ liệu cá nhân... Khi phát hiện những thông tin xấu, độc, mỗi cá nhân cần lên tiếng, đấu tranh phản bác và hạn chế sự lan truyền của thông tin đó bằng cách báo cáo bài viết, phản ánh với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tháng 4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, bao gồm riêng 1 chương về những chuẩn mực ứng xử trên mạng xã hội cho từng nhóm đối tượng: Cá nhân; CBCCVC và NLĐ trong cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mạng xã hội; cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng mạng xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, quản trị mạng xã hội. Hiểu và thực hiện tốt những quy tắc ấy sẽ giúp mỗi công dân khi tham gia không gian mạng sẽ tạo dựng được uy tín, ứng xử phù hợp, tự bảo vệ an toàn trong các tình huống.

Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng thông tin cá nhân, lừa đảo qua điện thoại có đầu số lạ và thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng như sau:

- Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như ảnh thẻ, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản, mật khẩu, mã PIN đăng nhập, mã Smart OTP của các dịch vụ thanh toán trực tuyến lên các trang web không rõ nguồn gốc hoặc người không quen biết qua mạng Internet.

- Luôn đề phòng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn của người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... tránh bị đưa vào thế hoang mang, bị động. Bởi căn cứ theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến công dân khi có nhu cầu làm việc để thu thập thông tin, làm rõ nội dung vụ việc.

- Qua quá trình công tác, nghiên cứu, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các đầu số điện thoại: +255; +375; +370; +381; +563; +1688.... là những đầu số đó có nguy cơ do đối tượng lừa đảo gọi điện để thực hiện hành vi phạm tội. Khi nhận được những cuộc gọi từ những số điện thoại không có trong danh bạ (đặc biệt nếu thuộc các đầu số điện thoại lạ đã nêu ở trên) thông báo sai sự thật về vi phạm pháp luật của bản thân, không nên tiếp tục nói chuyện mà hãy cân nhắc tới trình báo Cơ quan Công an gần nhất.

Theo Cổng thông tin Công an tỉnh Quảng Ninh

Theo Hoàng Giang/baoquangninh.com.vn


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 2198
Đã truy cập: 6933560