Trong hệ thống hạ tầng CNTT hiện nay, việc đảm bảo phủ sóng rộng khắp và hoạt động ổn định của hạ tầng viễn thông được xác định là yếu tố tiên quyết để các hệ thống hạ tầng khác hoạt động ổn định, hiệu quả. Vì vậy, từ khi tỉnh triển khai chuyển đổi số, nhất là trong năm 2022, hạ tầng viễn thông đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp trên toàn địa bàn tỉnh. Hết năm 2022, tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh đạt 100%; thuê bao băng rộng di động đạt 88,9 thuê bao/100 dân (cả nước là gần 85 thuê bao/100 dân).
Tỉnh hoàn thành phủ sóng di động cho 66 thôn, bản vùng lõm, đạt 100% kế hoạch; hoàn thành phủ dịch vụ băng thông rộng (3G, 4G) cho 97 thôn, bản vùng lõm, đạt 86% kế hoạch, nâng tỷ lệ phủ sóng băng thông rộng của tỉnh lên 79%; 16 thôn, bản còn lại sẽ được phủ băng rộng cố định trong quý I/2023. Đến hết năm 2022, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh đạt 29%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Song song với hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng của tỉnh đang hoạt động tương đối ổn định, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của tiến trình chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 294 điểm cung cấp dịch vụ mạng đường truyền sử dụng cho hệ thống hội nghị trực tuyến và hệ thống mạng diện rộng WAN hoạt động trên mạng số liệu chuyên dùng (SLCD) phục vụ cho hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh.
Hệ thống mạng diện rộng (WAN) nội tỉnh được đầu tư từ giai đoạn 2015-2016 đến nay cơ bản đáp ứng nhiệm vụ truyền dữ liệu quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử tỉnh... cho hệ thống chính quyền điện tử tỉnh. Mạng WAN nội tỉnh hiện cung cấp kết nối từ trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đến trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và kết nối đến hệ thống quản lý văn bản điện tử quốc gia (CPNet).
Cùng với đó, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật CNTT, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, các cơ quan khối Đảng, đoàn thể và cơ quan hành chính nhà nước... trên địa bàn tỉnh đang đảm bảo được những yêu cầu cơ bản của tiến trình chuyển đổi số.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp qua hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, cần được nhanh chóng khắc phục để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của giai đoạn mới. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Trung Tiến cho biết: Hạ tầng CNTT của tỉnh được xây dựng từ Đề án Chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 1 từ năm 2012-2014 và giai đoạn 2 từ năm 2015-2020 hiện đã xuống cấp nhiều, hết khấu hao, hư hỏng. Các hệ thống hạ tầng CNTT khác, như tường lửa, máy chủ, thiết bị lưu trữ, sao lưu, các thiết bị an toàn thông tin tại trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã theo hệ thống chính quyền điện tử được đầu tư từ giai đoạn trước đến nay cũng đã lạc hậu, hỏng hóc, chưa được đầu tư nâng cấp... khiến hệ thống CNTT của tỉnh đôi lúc hoạt động chậm, gây gián đoạn công việc và không đảm bảo an toàn thông tin. Cùng với đó, mua sắm tập trung trang thiết bị CNTT trong 2 năm qua không triển khai được, dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến đảm bảo trang thiết bị làm việc, xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương...
Cùng với việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong hệ thống hạ tầng CNTT, Sở TT&TT - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, đã tham mưu UBND tỉnh nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, nhằm xây dựng, nâng cấp và đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới.
Từ năm 2023, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho việc nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng các quy định, yêu cầu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đang khẩn trương rà soát, bố trí nguồn lực thực hiện nâng cấp, chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT, bao gồm mạng WAN, mạng LAN, trang thiết bị CNTT phục vụ công việc của CBCCVC...; đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động của hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Trung Tiến cho biết thêm, trong năm 2023 và giai đoạn tới, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng tắt dần sóng 2G, giảm tối đa trạm 3G, tăng tỷ lệ trạm 4G theo hướng là hạ tầng chủ đạo; đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng 5G tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch và các bệnh viện cấp tỉnh. Sở TT&TT cũng đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030 để làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh.