Theo dự thảo Luật Căn cước, nhiều thông tin trên mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip được Bộ Công an đề xuất sửa đổi - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước. Đây là tên mới của Luật Căn cước công dân được sửa đổi. Dự kiến dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 tới đây (tháng 5-2023).
Trong dự án luật, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và còn có ý kiến khác nhau là việc đề xuất cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi.
Liên quan nội dung này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) - nhấn mạnh quy định này hoàn toàn không bắt buộc, mà chỉ thực hiện theo nhu cầu của người dân.
Đại tá Tấn cũng nêu rõ thực tế hiện nay nhiều nước trên thế giới đã làm căn cước công dân cho trẻ em, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, đồng thời giúp xác thực thông tin cá nhân.
Lãnh đạo Cục C06 cũng cho hay hiện nay theo quy định của pháp luật, đối với trẻ em dưới 14 tuổi ở Việt Nam chỉ được cấp giấy khai sinh.
Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt đời.
Giấy này có biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu và chứa được rất ít thông tin của công dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân.
Do đó, theo đại tá Tấn, việc cấp căn cước công dân sẽ giúp tiết kiệm hơn. Cạnh đó, với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật cao, còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi đi lại, khám, chữa bệnh...
Trước đó, cũng giải trình thêm về nội dung này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh đây là quy định không bắt buộc nhưng trên thực tế lại rất cần vì đã xảy ra bất cập.
Ông chỉ rõ giấy khai sinh không chứng minh được người được khai sinh và người sử dụng.
Vì vậy, việc bổ sung đối tượng được cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, yêu cầu về đối chiếu dữ liệu sinh trắc học và quản lý nhà nước, để trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử.
Dự kiến trình tự cấp căn cước công dân thực hiện thế nào?
Trước đó, đại diện C06 nêu rõ việc đề xuất cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác liên quan.
Đồng thời, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Cyprus, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Monaco, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan...
Về trình tự, thủ tục thực hiện cấp, dự kiến đối với trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.
Trường hợp đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Trường hợp từ đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa công dân đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học như người từ đủ 14 tuổi trở lên.