Là địa bàn có hoạt động khai thác than lớn nhất cả nước, Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, TKV đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng những công trình băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn; các hoạt động vận chuyển than được thực hiện trên các tuyến đường chuyên dụng theo quy định, không vận chuyển trên các tuyến quốc lộ. Tất cả các trạm xử lý nước thải mỏ đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đến nay 100% nước thải mỏ được xử lý theo đúng quy định.
Cán bộ, công nhân Công ty CP Than Vàng Danh trồng cây hoàn nguyên môi trường. Ảnh: Hoàng Yến
Các đơn vị ngành Than còn đẩy mạnh công tác trồng cây phủ xanh, cải tạo phục hồi môi trường các diện tích kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Giai đoạn 2017-2022, ngành Than thực hiện 36 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 376,95ha; nhưng tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của TKV tại Quảng Ninh lên đến 1.500ha. TKV đang nghiên cứu thực hiện xanh hoá bãi thải mỏ bằng các loài cây gỗ lớn, bản địa lâu năm để ổn định bền vững môi trường các khu vực sản xuất, kết hợp lấy gỗ làm trụ mỏ phát triển kinh tế rừng; hiện các đơn vị đã trồng 568ha cây xanh, hình thành hành lang cây xanh làm vùng đệm giữa các khu vực phát triển công nghiệp và đô thị.
Không chỉ với ngành Than, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Ngày 28/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Trên cơ sở này, các ngành, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; tăng cường kiểm soát môi trường trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, huyện Cô Tô... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào hạn chế sử dụng chất thải nhựa; triển khai các dự án thu gom nước thải sinh hoạt, rác thải trong khu dân cư; di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; kiểm tra nghiêm việc xử lý chất thải nguy hại. Đến nay đã có gần 400 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị được di dời ra khỏi các khu dân cư.
Người dân thôn Thái Lập, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà dọn dẹp môi trường đường liên thôn.
Quảng Ninh cũng đã đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo của Cô Tô, Vân Đồn. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2022 đạt 97%, dự kiến năm 2023 đạt 98%. 100% nước sinh hoạt từ các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Tỉnh đang triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại Hạ Long, Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên... nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển. Tất cả các tàu du lịch trên địa bàn đều lắp đặt thiết bị phân lý dầu - nước. Đến nay, cơ bản bà con nuôi trồng thủy sản thay thế vật liệu phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Đối với các khu vực nơi có tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3... đi qua, bên cạnh việc tăng cường sử dụng các cầu cạn đối với các khu vực có rừng ngập mặn, tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương bảo vệ nghiêm ngặt dải cây xanh và hệ sinh thái rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn; giảm thiểu, hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan rừng, biển.
Trạm xử lý nước thải mỏ Núi Nhện (TP Cẩm Phả) do Công ty TNHH MTV Môi trường đầu tư quản lý và vận hành. Ảnh: Thu Trang
Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO; đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi…
6/6 KCN đi vào hoạt động, 4/5 CCN đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành.
Đặc biệt tỉnh, các doanh nghiệp đã đầu tư, quản lý và vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn. Đến nay, 167 trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh hoạt động liên tục, chuyển tải trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT...
Tỉnh còn tăng cường đầu tư các công trình nước sạch cho người dân nông thôn. Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%; dự kiến hết năm 2023 đạt 98,3%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2022 đạt 99,96%, dự kiến hết năm 2023 là 99,98%.
Thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn; từ đó góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.