1. Lịch sử hình thành và phát triển
Trước cách mạng tháng tám 1945, xã Lương Mông thuộc tổng Dương Huy, Châu Hoành Bồ. Theo nghị định của Bộ nội vụ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 19/7/1946, Phó Ba Chẽ thuộc Châu Cảm Phả. Ngày 4 tháng 10 năm 1946 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp các xã Thanh Lâm, Đồn Đạc, Nam Sơn của bang Tam Trĩ được sáp nhập với các xã Thái Bình, Lâm Ca, Hữu Sản (thuộc huyện Sơn Động) và các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh (thời Pháp thuộc tổng Dương Huy, châu Hoành Bồ), xã Đồng Thắng (huyện Tiên Yên) thành châu Hải Chi thuộc tỉnh Hải Ninh. Đầu năm 1947 châu Hải Chi được đổi thành huyện Hải Chỉ đến đầu năm 1951 hai huyện Hải Chỉ và Đình Lập hợp nhất với nhau lấy tên là huyện Đình Hải. Cuối năm 1954 sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, huyện Hải Chi được lập lại và gọi là huyện Ba Chẽ, thuộc tỉnh Hải Ninh, từ cuối năm 1963 thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ thuộc tỉnh Quảng Ninh và ổn định từ đó cho đến nay. Hiện nay, xã có 7 thôn, gồm: thôn Đồng Cầu, Đồng Giảng A , Xóm Mới, Bãi Liêu, Đồng Giảng B, Khe Nà và thôn Khe Giấy.
Khu trung tâm xã Lương Mông
2. Về vị trí địa lý
Xã Lương Mông là xã miền núi thuộc huyện Ba Chẽ cách trung tâm huyện 50km về phía bắc. Phía Đông, đông bắc giáp xã Đạp Thanh, phía đông nam giáp xã Minh Cầm, phía nam giáp xã Đồng Sơn - Thành phố Hạ Long, phía tây và tây bắc giáp các xã Dương Hưu, xã An Lạc thuộc huyện Sơn Động- tỉnh Bắc Giang.
Địa hình: xã Lương Mông nằm ở phía Tây là vùng núi cao trập trùng với nhiều thung lũng nhỏ hẹp. Do vậy, địa hình của Lương Mông tương đối đa dạng và phân dị, thuộc loại địa hình đồi núi, đại bộ phận nằm trong cánh cung bình phong Đông Triều Móng Cái. Địa hình thấp dần về phía sông Ba Chẽ và phân chia thành hai vùng rõ rệt, phía Tây là vùng núi cao trập trùng với nhiều thung lũng nhỏ hẹp thuộc 3 xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, có dãy núi Khau Giang với độ cao 920 mét giăng dài như bức bình phong ngăn cách giữa huyện Ba Chẽ với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Đồi núi chiếm phân lớn diện tích tự nhiên của xã, có độ cao trung bình từ 150 đến 300m, mức độ chia cắt mạnh, độ dốc trung bình từ 20 đến 30 độ. Có thể nói, xã quần tụ các yếu tố núi non, sông, suối. Đồng thời, do đặc điểm địa lý vùng cao đồi núi, cho nên Lương Mông có nguy cơ phải đối mặt với những mối đe doạ của thiên tai như bão lũ, hạn hán, sạt lở, xói mòn đất.
3. Thời tiết – khí hậu- thủy văn
Về mặt khí hậu: Lương Mông nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm ướt tương đối điển hình của miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Nhiệt độ trung bình hàng năm là khoảng 20°C. Mùa đông khô lạnh kéo dài và thường có sương muỗi giá rét, thậm chí có năm nhiệt độ xuống dưới mức 4°C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.427mm, trong đó hàng năm có nhiều đợt mưa phùn và sương mù. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nồng nghiệp của người dân nơi đây.
Về thủy văn: Xã có Sông Ba Chẽ chảy qua với chiêu dài khoảng 9km với hàng chục khe suối nhỏ rất thuận lợi cho thủy lợi tưới ruộng.
Về tài nguyên: Xã có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, trong đó tài nguyên lớn nhất của xã là đất tự nhiên với 6547,71ha và rừng là nguồn tài nguyên chính, vô cùng quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao. Diện tích rừng sản xuất được trồng các loại như keo, quế, thông. Hiện nay một phần diện tích rừng này đã được đưa vào khai thác, sử dụng.
4. Về giao thông: Xã Lương Mông không có tuyến đường quốc lộ chạy qua. Trên địa bàn xã có tuyến đường độc đạo men theo Tỉnh lộ 330, những năm trước đây được mệnh danh là “đoạn đường đau khổ") vì nhiều đèo dốc, đường quanh co, nhỏ hẹp cho nên điều kiện đi lại của nhân dân rất khó khăn. Hiện nay, nhất là sau khi thực hiện mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, xác định tiêu chí nông thôn là tiêu chí quan trọng nhất hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân cho nên Đảng ủy, Ủy ban nhân dân Lương Mông đã tập trung thực hiện tiêu chí này. Do vậy, 3 tuyến đường là Tỉnh lộ 330, tuyến đường từ Lương Mông đi Minh Cầm, tuyến đường từ Lương Mông đi Hoành bồ đều được bê tông hóa, tạo điều kiện để phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
5. Về mặt dân cư: Tại thời điểm tháng 7/2021 có 406 hộ với 1.575 khẩu gồm 8 dân tộc anh em, dân tộc Tày và Dao chiếm đa số khoảng 90%, với 7 thôn khe bản đa số đồng bảo ở theo tập quán sản xuất nông nghiệp, do đó hình thành các thôn, cụm dân cư sinh sông dọc các trục đường chính và ở khu trung tâm xã.
6. Về mặt kinh tế: Người dân xã Lương Mông sinh sống chủ yếu bằng nông, lâm nghiệp. Trước đây, sản xuất mang tính chất tự cung tự cấp, lấy độc canh cây lúa là chính, việc bố trí cây trồng vật nuôi chưa hợp lý, sản xuất còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất, sản lượng lương thực còn bấp bênh, ngành nghề chưa phát triển (đặc biệt là những nghề tiềm năng, nghề rừng...). Hiện nay, người dân vẫn chủ yếu sống bằng nông - lâm nghiệp, trong đó trồng cây keo, quế là chính và một số cây thế mạnh của xã như sa nhân, ba kích. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cầu kinh tế và lao động ở nông thôn. Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính: nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập so với thực tiễn...
Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung dồn sức cho cơ sở, xây dựng cơ chế khuyến khích; chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng cây trồng đã có động lực tích cực trong quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn xã./.