Con sam (tên khoa học là Tachypleus tridentatus) có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20cm), dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Con sam cái nặng khoảng 1kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, sam bắt đầu giao phối, sau đó sam cái mang bụng đầy trứng nhỏ như hạt tiêu, đợi ngày đẻ
Đặc điểm của loài sam là luôn luôn đi đôi. Người dân vùng biển, sáng sớm đi dọc bờ biển thường bắt được những cặp vợ chồng sam, con đực lúc nào cũng bám chặt cứng vào lưng con cái, không chịu rời. Người ta bắt sam để lấy trứng ăn là chính, do đó thường vứt bỏ sam đực đi vì sam đực không có trứng và nhỏ chẳng được bao nhiêu thịt.
Món ăn phổ biến được nhân dân ta ưa thích là trứng sam nướng. Để có món ăn này, người ta đốt than, đặt ngửa con sam lên rồi trở tay đều cho đến khi sam chín vàng, mùi thơm đặc biệt bay lan ra là ăn được. Chuẩn bị sẵn gia vị (bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm dấm, rau thơm, lạc rang, nước mâm, ớt, hành phi...) để ăn với trứng sam. Khi ăn, người ta lật ngửa con sam còn nóng hổi, tách yếm, dùng dao sắc rạch bụng con sam sẽ thấy trứng đầy ắp, vàng ươm. Dùng thìa múc trứng ăn, cho gia vị tuỳ thích. Trứng sam béo, thơm, nhiều chất đạm, ăn ngon miệng và giầu chất dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ cơ thể.
Con so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda) có hình dáng rất giống con sam, nhưng là một con vật độc, ăn chết người, do đó chúng ta cần chú ý phân biệt, tránh nhầm lẫn.
Cần nhớ con sam có một đặc điểm rất dễ nhận là lúc nào cũng đi đôi, còn con so tuy hình dáng nom giống hệt con sam nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ đi một mình. Chính vì đặc điểm luôn sống có đôi của loài sam, trong nhân dân ta có cả một huyền thoại về "Sự tích con sam", kể về mối tình rất đẹp và cảm động của hai vợ chồng người đánh cá ngoài biển Đông, sống chung thuỷ bên nhau cho đến chết vẫn không chịu rời xa nhau.
Trứng sam là một thức ăn ngon và bổ được bà con vùng biển ưa chuộng, còn trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do Tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá huỷ, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
Sau khi ăn phải so biển, chất Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Liều tử vong đối với người là 1 - 2 miligam. Nguyên nhân tử vong là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.
Như vậy độc tố có trong con so biển và những loài cá nóc thường gây độc ở vùng biển nước ta là một.
Để đề phòng ngộ độc, chúng ta tuyệt đối không được ăn so biển, kể cả trứng và thịt của chúng. Muốn vậy ta phải biết phân biệt con so với con sam, và phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết cách phân biệt chúng, tránh để xảy ra nhầm lẫn chết người.
Cục An toàn thực, Bộ Y tế