Bắt nhịp với xu thế hiện nay, thị xã Đông Triều đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc nâng cấp hạ tầng, xây dựng chính sách hỗ trợ, định hướng, tập huấn để các đơn vị doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng; Kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử….và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Quả na dai là sản phẩm OCOP của địa phương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Đông Triều
Việt Dân là xã có thế mạnh về phát triển mô hình trồng cây ăn quả với tổng diện tích 250 ha; Trong đó, cây na và bưởi diễn là hai cây ăn quả chủ lực với diện tích trên 200 ha. Những năm gần đây, xã Việt Dân đã chủ động làm tốt công tác định hướng, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả; Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân; Xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn; Tuyên truyền, thực hiện chuyển đổi số gắn với quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, xã đang phối hợp với Viettel Quảng Ninh thực hiện triển khai 22 nhiệm vụ chuyển đổi số, bao gồm 4 nhiệm vụ về chính quyền số, 4 nhiệm vụ về kinh tế số và 14 nhiệm vụ về xã hội số…..Qua đó nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả gắn với thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu của xã Việt Dân có gia đình vợ chồng anh Vũ Văn Ký và chị Nguyễn Thị Tú ở thôn Đồng Ý. Nhờ thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăm bón và thực hiện chuyển đổi số trong khâu tiêu thụ sản phẩm quả cam Đông Châu và quả bưởi diễn, mô hình trồng gần 200 gốc bưởi và cam trên diện tích 1ha của gia đình vợ chồng anh Ký và chị Tú hàng năm đều cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Thời điểm này, vợ chồng anh Ký và chị Tú đã thu hoạch gần xong đối với cam Đông Châu và đang chuẩn bị cho mùa thu hoạch bưởi diễn. Theo chị Tú tâm sự: “ Khi ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân chúng tôi được rất nhiều lợi ích về năng suất; chất lượng quả; tiết kiệm thời gian, không phải đi lại mà vẫn quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi thông qua hình thức giao dịch trực tuyến, thanh toán chuyển khoản hay quét mã QR, đảm bảo an toàn chính xác”.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đã giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập mỗi năm vài trăm đến một tỉ đồng
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, cấp bách và lâu dài, những năm qua, thị xã Đông Triều đã lãnh đạo chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các ngành, lĩnh vực và tại các cơ quan, đơn vị; Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử của tỉnh (Posmart và Vostro) và sàn thương mại điện tử thị xã (dongtrieumart.vn).
Ứng dụng chuyển đổi số, người nông dân thêm vững tin tập trung sản xuất, phát triển kinh tế
Để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp có tính bền vững và phát triển lâu dài, thị xã Đông Triều xác định rõ quan điểm phải bắt đầu từ người nông dân, dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Ngoài việc ứng dụng chuyển đổi số tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn thị xã Đông Triều còn có nhiều đơn vị, hợp tác xã và hộ dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng; Ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất (vật tư, chất lượng đất, nước, quá trình chăm sóc) đến khâu chế biến, sơ chế, đầu ra; làm tốt công tác liên kết trong sản xuất, gắn kết sản xuất với dự báo thị trường, phát triển thương mại điện tử, phát huy sàn điện tử Đông Triều Mart; thực hiện chuyển đổi số kết hợp xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị. Đồng thời còn thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân sử dụng internet để tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao….Nhờ đó đã thu lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với phương thức sản xuất, tiêu thụ truyền thống trước đây.
Anh Lê Văn Quý – Chủ trang trại rộng 11ha, trồng các loại cây ăn quả ở thôn Trung Lương ( xã Tràng Lương) chia sẻ: “ Gia đình chúng tôi đã tham gia chuyển đổi số - số hóa nông sản đối với việc chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm quả ổi. Khi các thương lái, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối wifi hoặc Internet và cài ứng dụng quét mã QR Code sẽ tiếp cận đầy đủ hình ảnh, thông tin cụ thể về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất quả ổi của trang trại gia đình tôi. Tôi thấy việc ứng dụng chuyển đổi số là cần thiết, qua đó giúp người sản xuất có ý thức trách nhiệm cao trong sản xuất sản phẩm an toàn và thuận lợi trong khâu tiêu thụ”.
Hy vọng với những tiện ích cùng giải pháp đồng bộ và quyết liệt, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở TX Đông Triều sẽ có những hướng phát triển mới, bền vững, đáp ứng xu thế hiện nay của thị trường và mục tiêu của chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Đông Triều đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Đông Triều.