Quảng Ninh tạo nền tảng thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

QNP - Trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều khởi sắc. Các doanh nghiệp chú trọng liên kết sản xuất các sản phẩm đặc thù theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm gian hàng OCOP Quảng Ninh.

Nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, so với nhiều địa phương trong vùng, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bên vững. Mặt khác, vị trí địa lý mang lại điều kiện cho Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh khác trong vùng, với cả nước và với quốc tế. Ngoài ra, nguồn lao động nông nghiệp trong tỉnh dồi dào, nhân dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, cần cù, chịu khó và đang dần được nâng cao về trình độ.

Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, nhiều chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh thực hiện các chính sách của Trung ương ban hành, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đặc thù của tỉnh đến năm 2017; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020... Đặc biệt, hàng năm Quảng Ninh đã cân đối, bố trí nguồn lực ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách đã ban hành. Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là các công trình thuỷ lợi đầu mối, hạ tầng giao thông, hệ thống điện, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng đất đai, mở mang ngành nghề thu hút lao động ở khu vực nông thôn.

Lãnh đạo các sở, ngành thăm quan mô hình trồng hoa lan tại Hoành Bồ.

Riêng năm 2016, Quảng Ninh đã tổ chức thành công hội nghị tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp với cách thức đổi mới, sáng tạo, gây ấn tượng và hiệu quả lan tỏa tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra từ năm 2012 đến nay, tỉnh thường xuyên cử đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đài Loan, Nhật Bản và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, môi trường giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Asahikawa - Nhật Bản.

Thực hiện mục tiêu của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, thu hút các lực lượng tham gia, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, những năm qua, việc triển khai các hội chợ, phiên chợ là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ OCOP Quảng Ninh hàng năm được tổ chức với quy mô lớn khẳng định thương hiệu riêng có của tỉnh. Qua đó thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm, đồng thời hội chợ đã thực sự trở thành một trong những kênh tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP quan trọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước như: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam... Thông qua các triển lãm, hội chợ, phiên chợ đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối, đại lý. Đến nay, tỉnh đã giới thiệu, kết nối, tiêu thụ 30 sản phẩm (hàu Thái Bình Dương, chả mực, trà hoa vàng...) của 12 cơ sở trên địa bàn tỉnh tại thị trường Hà Nội.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.

Quảng Ninh hình thành các mô hình sản xuất rau an toàn tập trung.

Cùng với đó, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm để tạo đất sạch cho nông nghiệp, liên kết nông dân với doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến và dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm, nhất là khi đi vào sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao; Phát triển ngành nghề nông thôn, đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác...

Với những kết quả đạt được cùng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đặc biệt là với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của tỉnh, tinh thần đoàn kết, nỗ lực của các cấp, các ngành, tin rằng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp của Quảng Ninh năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ giành được nhiều thắng lợi./.