Tầm nhìn chiến lược trong xây dựng các quy hoạch ở Quảng Ninh

QNP – Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược, lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, đến nay công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn, định hướng dài hạn. Qua đó góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.  

Sau khi nghị quyết được ban hành, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều đổi mới trong cách làm về triển khai lập quy hoạch. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo giao việc và quyết định ủy quyền, phân cấp của UBND tỉnh, các đơn vị đã xác định rõ trách nhiệm lập quy hoạch của các cấp có thẩm quyền trong công tác xây dựng chiến lược lập quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành thường xuyên trao đổi, chủ động kịp thời phối hợp cùng tổ tư vấn hỗ trợ lập quy hoạch của tỉnh để khảo sát, điều tra, thu thập số liệu cho đến các bước triển khai nghiên cứu lập quy hoạch. Do vậy, đã không còn tình trạng “khoán trắng” cho tư vấn thực hiện. Nội dung và định hướng của các quy hoạch được phối hợp xây dụng theo một quy trình tương tác thực tiễn. Đó là các bên liên quan tham gia thông qua các buổi phỏng vấn, thảo luận giải quyết vấn đề và thường xuyên cập nhật, tham vấn lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Đây là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng các quy hoạch.

Để nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức làm công tác quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, các sở, ngành cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ. Các đơn vị tư vấn cũng được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, có chất lượng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như tư vấn McKinsey lập tham gia lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế cửa khấu Móng Cái; BCG lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các địa phương: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều; tư vấn Nikken Sekkei lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch môi trường tỉnh, Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng tham gia phản biện Quy hoạch tống thể phát triển kinh tế xã hội Khu kinh tế cửa khấu Hoành Mô - Đồng Văn, Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh...

Quảng Ninh làm tốt công tác quy hoạch các Khu di tích.

Đến nay, nhìn chung các quy hoạch cơ bản đảm bảo tính đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đồng thời đồng bộ việc lập, bổ sung, thay đổi quy hoạch nhằm kết nối vùng và cả nước, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; niên độ các quy hoạch đều được điều chỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đên 2030 và xa hơn (đối với quy hoạch chung xây dụng vùng tỉnh tầm nhìn đến năm 2050).

Bên cạnh đó, các quy hoạch đảm bảo tính hiện đại, tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, có tính đến yếu tố liên tục và kế thừa những quy hoạch có chất lượng cao, có tính bền vững, đồng thời đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc phòng. Trong đó có Quy hoạch “Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, với cấu trúc báo cáo có sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc truyền thống và phong cách hội nhập quốc tế, với mục tiêu để thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, tìm hiểu, tra cứu thông tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo thuận tiện cho các ngành theo dõi và căn cứ triển khai thực hiện.

Xác định được vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã dành trên 700 tỷ cho công tác quy hoạch. Cùng với nguồn lực được bố trí từ ngân sách, Quảng Ninh đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích, huy động xã hội hóa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế phục vụ cho công tác lập quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch quan trọng của tỉnh như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển du lịch; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Riêng Ngân hàng Techcombank đã hỗ trợ tỉnh 70 tỷ đồng cho công tác lập quy hoạch.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, đến nay các quy hoạch chiến lược từ cấp tỉnh đến địa phương cơ bản đã hoàn thành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Cụ thể, đã hoàn thành và phê duyệt 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh. Một số quy hoạch trong lĩnh vực ngành, quy hoạch Khu kinh tế đang triển khai, hoàn thiện.

Các cụm cảng cũng được Quảng Ninh quy hoạch một cách bài bản, mang tính chiến lược.

Tại Lễ công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh được tổ chức trong tháng 9-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Cùng với việc xây dựng, triển khai quy hoạch, Quảng Ninh cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng chính quyền kiến tạo phát triển, chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, để làm sao cho các doanh nghiệp thấy môi trường đầu tư, cơ chế chính sách của Quảng Ninh không kém bất cứ nơi nào trên đất nước này, trong khu vực này...

Hy vọng rằng với những cách làm mang tính chiến lược, khoa học, những mục tiêu mà Quảng Ninh đề ra là trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế, là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hoá lịch sử quốc tế, Di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới sẽ trở thành hiện thực./.