Chương trình Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục tại Quảng Ninh sau hai năm triển khai thực hiện.

22/09/2016 09:29

      Công nghệ giáo dục là công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, bắt đầu thí điểm năm 1978 tại  trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội). Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ Giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục. Đến năm 2001 thì chương trình công nghệ giáo dục dừng lại vì cả nước sử dụng “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”, kể từ đó công nghệ giáo dục chỉ còn áp dụng tại trường thực nghiệm Hà Nội và phát triển cho đến nay.

 

 

Công nghệ giáo dục là công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, bắt đầu thí điểm năm 1978 tại  trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội). Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ Giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục. Đến năm 2001 thì chương trình công nghệ giáo dục dừng lại vì cả nước sử dụng “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”, kể từ đó công nghệ giáo dục chỉ còn áp dụng tại trường thực nghiệm Hà Nội và phát triển cho đến nay.

Năm học 2006-2007, Trung tâm Công nghệ giáo dục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mã số B2004-51-TĐ11”. Được Bộ GD&ĐT cho phép, Sở GD&ĐT Lào Cai được chọn là nơi thử nghiệm cho đề tài với qui mô 4 huyện, 16 trường; các trường thử nghiệm đều có đông học sinh dân tộc thiểu số (HSDT), có trường 100% HSDT. Năm học 2008 - 2009, chương trình TV1-CGD được triển khai dạy học ở 7 tỉnh với khoảng 7.000 học sinh Sau hai năm thực nghiệm, kết quả đánh giá chất lượng dạy học Tiếng Việt của học sinh ở các trường này được nâng lên rõ rệt.

Tại Hội nghị về dạy học Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tháng 8 năm 2008, Bộ GD&ĐT đã  đưa việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ giáo dục (TV1- CGD) thành một trong năm phương án dạy học và tăng cường Tiếng Việt cho HSDT; Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT có chủ trương chỉ đạo dạy học TV1-CGD để nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh tiểu học; đến năm học 2013-2014, chương trình đã được triển khai ở 35 tỉnh với trên 183.000 học sinh; năm học 2015-2016 triển khai ở 47 tỉnh với 583.838 học sinh, trong đó có 10 tỉnh triển khai đại trà gồm: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lai Châu, Vĩnh Long, Phú Thọ, Nghệ An; năm học 2016-2017 triển khai ở 48 tỉnh với với trên 600.000 học sinh (dự kiến có khoảng 20 tỉnh triển khai đại trà).

Tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai dạy học học TV1-CGD từ năm học 2014-2015 có 64 trường đăng ký thực hiện với 5.555 học sinh tham gia, đến năm học 2015-2016 có 85 trường với 8.474 học sinh và đến năm học 2016-2017 có 115 trường, 460 lớp, 12.988 học sinh (trong đó có 04 địa phương: Tiên Yên, Uông Bí, Vân Đồn, Hạ Long triển khai đại trà với 71 trường, 298 lớp, 298 giáo viên, 8.813 học sinh).

 

1. Đánh giá ưu điểm, hạn chế của TV1-CGD

 

1.1. Ưu điểm

Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ hay nghiệp vụ sư phạm. Học sinh chiếm lĩnh được ngữ âm ngay từ đầu, biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả.

Mục tiêu dạy học của môn TV1-CGD là dạy cho học sinh về cấu trúc ngữ âm, dạy cho các em bản chất của tiếng Việt (để chiếm lĩnh ngữ âm một cách dễ dàng, học sinh được phân tích ngữ âm trong môi trường thuần khiết/ tách nghĩa khỏi âm); giúp các em sử dụng tiếng Việt hiện đại như một công cụ ngôn ngữ để chiếm lĩnh nội dung các môn học khác và để các em thực hiện các hoạt động giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong học tập.

        Nội dung dạy học của chương trình TV1-CGD là dạy các em nắm chắc cấu trúc ngữ âm tiếng Việt (tiếng, âm, vần); nắm chắc luật chính tả để đọc đúng, viết đúng và phát âm một cách chính xác ngôn ngữ tiếng Việt văn hóa hiện đại. Nội dung dạy học của chương trình TV1-CGD là những thành tựu ngôn ngữ học hiện đại nhất.

 

        Điểm mới của chương trình là học sinh được học kiến thức từ âm đến chữ và khắc sâu hoạt động ngữ âm, cách phân tích cấu trúc ngữ âm, phương pháp học này giúp học sinh khá giỏi xác định được vị trí các âm trong một tiếng, như: âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Kết quả, các em có thể đọc thông viết thạo, khi viết chính tả không nhìn chép và ít viết sai chính tả vì khi dạy đều có đưa luật chính tả.      

 

          Ví dụ:

                  + Âm "cờ" đứng trước âm e, ê, i phải viết bằng con chữ "ca" (k) còn đứng trước các âm khác viết bằng con chữ “cờ” ( c);

                  + Âm "ngờ" đứng trước âm e, ê, i phải viết bằng con chữ "ngh" còn đứng trước các âm khác viết bằng con chữ “ng”;

 

        + Khi dạy bài: Nguyên âm đôi “iê” thì có luật chính tả "khi vần không có âm cuối thì viết là "ia", khi vần có âm cuối thì viết là "iê" (ở chương trình hiện hành - lớp 4 học sinh mới học)

 

Phương pháp dạy học của Công nghệ giáo dục giúp các em luôn chủ động, tự tin trong quá trình học tập. Công nghệ giáo dục đưa ra một quy trình học có sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình học thông qua hệ thống “Việc” làm lôgíc và tường minh. Phương pháp dạy học này có tính ưu việt, giáo viên đã được tập huấn sẽ dạy được và khi giáo viên dạy được thì học sinh sẽ học được “Học đến đâu được đến đó, học đến đâu chắc đến đó”. Thực hiện dạy học chương trình môn TV1 - CGD sẽ giúp cho học sinh lớp 1 có đủ kiến thức về Tiếng Việt (đọc thông, viết thạo) làm cơ sở vững chắc cho học sinh lên lớp 2 học tốt hơn.

 

1.2 Hạn chế

          Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc dạy học môn TV1-CGD còn bộc lộ một số hạn chế nhất định:

          Thứ nhất, do mục tiêu dạy học của môn TV1-CGD là dạy cho học sinh về cấu trúc ngữ âm, dạy cho các em bản chất của tiếng Việt (để chiếm lĩnh ngữ âm một cách dễ dàng, học sinh được phân tích ngữ âm trong môi trường thuần khiết/ tách nghĩa khỏi âm) nên học sinh nắm về nghĩa của từ hạn chế hơn chương trình hiện hành.

Thứ hai, chưa có nhiều thời gian cho học sinh rèn luyện kỹ năng nói trong tiết học TV1-CGD.

2. Kết quả triển khai dạy TV1-CGD trên địa bàn tỉnh  

Qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình TV1-CGD tại Quảng Ninh bước đầu đã thu được kết quả tốt dựa trên việc đánh giá về chất lượng giáo dục, cụ thể:

- Với học sinh: Tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ và hình thành các kĩ năng nghe- nói- đọc- viết tương ứng; chủ động chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hầu như không còn hiện tượng học sinh không biết đọc, nếu có chỉ là những trường hợp học sinh đọc chậm.

          Tốc độ đọc chữ nhanh, trung bình 60 tiếng/1 phút (so với chuẩn tối thiểu 30 tiếng/1 phút); tốc độ viết cũng nhanh hơn, trung bình 45 chữ/15phút (so với chuẩn tối thiểu là 30 chữ/15 phút). Tỷ lệ học sinh hoàn thành môn Tiếng Việt tăng cao so với các năm học trước. Ở các huyện vùng khó khăn, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình môn Tiếng Việt giảm rõ rệt, chỉ còn 1-2%.

          - Với giáo viên: Được thay đổi về phương pháp dạy học: là người tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ học sinh trong quá trình học; kỹ năng sư phạm được nâng lên rõ rệt. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là mối quan hệ dân chủ, bình đẳng. Giáo viên luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của học sinh, phát huy năng lực tối ưu của từng học sinh, giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn và khắc phục những hạn chế.

- Với nhà trường: Các nhà trường hứng thú với phương pháp dạy mới, tự nguyện, tích cực tham gia dạy học TV1-CGD. Qua kiểm tra, hầu hết các trường đã thực hiện đúng quy trình quản lý, giáo viên được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, nắm chắc về phương pháp dạy học và quy trình thực hiện các mẫu, giải đáp các thắc mắc, khó khăn nảy sinh khi tổ chức dạy học. 

Để đạt được kết quả trên, trước, trong quá trình triển khai chương trình TV1-CGD, Sở GD&ĐT đã tổ chức 3 đợt tập huấn cấp tỉnh và 1 hội thảo chuyên đề hỗ trợ kĩ thuật với sự tham gia của chuyên viên phụ trách môn học Bộ GD&ĐT, tác giả và các chuyên gia về dạy học theo công nghệ của Trung tâm công nghệ giáo dục. Các Phòng GD&ĐT cũng đã tích cực chỉ đạo và tổ chức chuyên đề cấp huyện, cấp cụm hiệu quả, đồng thời tổ chức sơ kết đánh giá chương trình để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Chỉ đạo các nhà trường sắp xếp, bố trí giáo viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp dạy học ngay trong hè, yêu cầu đội ngũ giáo viên phải bám sát chặt chẽ phương pháp giảng dạy, thực hiện đúng quy trình; đồng thời phát hiện, đóng góp những ý kiến để khắc phục hạn chế, phát huy tối đa hiệu quả trong việc dạy và học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình mới cho cha mẹ học sinh để cùng phối hợp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tập khi ở nhà.

 

3. Thuận lợi và khó khăn khi triển khai

 

3.1. Thuận lợi:    

 

Việc triển khai dạy học theo tài liệu công nghệ giáo dục luôn được sự chỉ đạo cụ thể, sát sao và hỗ trợ kịp thời của của Bộ GD&ĐT, Trung tâm công nghệ giáo dục. Cán bộ quản lý các cấp, giáo viên tích cực tiếp thu, biết lựa chọn những đổi mới trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.    

 

Kết quả của việc dạy học theo tài liệu TV1-CGD có sức thuyết phục đối với các địa phương, chất lượng dạy-học bộ môn được nâng cao, đặc biệt sau kỳ nghỉ hè dài nhưng học sinh không quên chữ do đó số trường tự nguyện đăng ký tham gia tăng nhanh.

 

          3.2. Khó khăn:

          Một số địa phương chưa có sự thống nhất trong công tác quản lí, chỉ đạo triển khai; một số cán bộ quản lý chưa nắm chắc về nội dung, phương pháp và quy trình triển khai dạy học TV1-CGD để chủ động hỗ trợ giáo viên.

Một số trường chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, chưa chủ động trong truyền thông tư tưởng cho chính đội ngũ; một số giáo viên sức ỳ cao, ngại thay đổi, lập trường tư tưởng chưa vững vàng và chưa thể hiện quyết tâm trước những đổi mới của ngành, của cấp học.

Tâm lý của cha mẹ học sinh muốn được dạy trước cho con ở nhà, trong khi với TV1-CGD thì phương pháp dạy - học không giống như chương trình hiện hành nên việc can thiệp của cha mẹ vào quá trình học của con khi chưa hiểu về phương pháp dạy mới cũng gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức.

 

4. Bài học kinh nghiệm

 

4.1. Đối với Sở GD&ĐT

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần triển khai dạy học TV1 - CGD cho cán bộ quản lý cấp phòng, cấp trường nhận thức rõ khó khăn, thuận lợi, quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả.

- Xây dựng kế hoạch triển khai dạy TV1-CGD cụ thể, đảm bảo thực hiện thành công trong phạm vi kiểm soát được, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.

          - Xây dựng đội ngũ cốt cán cấp tỉnh gồm các giáo viên có năng lực chuyên môn, có kỹ năng tập huấn, nắm chắc quan điểm, tư tưởng, nội dung, phương pháp dạy học của TV1-CGD.

- Tổ chức tập huấn hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát để hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho các nhà trường trong năm học.

- Cuối năm học, đánh giá tình hình thực hiện toàn tỉnh, chỉ rõ thành công, hạn chế trong tổ chức thực hiện của Sở, Phòng, trường, giáo viên; đề ra biện pháp giải quyết, phương hướng cho năm học tới.

 

4.2. Đối với Phòng GD&ĐT

- Xây dựng kế hoạch và báo cáo UBND cấp huyện, Sở GD&ĐT về kế hoạch triển khai. Làm tốt công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu về mục tiêu của sự thay đổi, tạo được sự đồng lòng nhất trí giữa nhà trường với cộng đồng, cha mẹ học sinh.

- Quán triệt tinh thần triển khai cho cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên, quyết tâm thực hiện có hiệu quả vì quyền lợi của học sinh.

- Thành lập tổ cốt cán cấp huyện: Tổ cốt cán có trách nhiệm giúp đỡ giáo viên và dạy mẫu tại Hội thảo chuyên đề theo trường hoặc cụm trường.

- Tổ chức hội thảo chuyên đề khi chuyển sang dạng bài mới theo cụm trường. Nên chọn giáo viên cốt cán (không chọn giáo viên dạy lớp 1) dạy mẫu trên học sinh để giáo viên trao đổi, thảo luận. Sau Hội thảo cần có biên bản để các cụm trường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

- Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các trường: Việc kiểm tra tập trung hướng dẫn, giúp đỡ trường yếu trước. Mức độ thực hiện: 2 lần/ 1 trường trong một năm học. Trường yếu là 3 lần/ 1 năm học. Quan tâm và tạo mọi điều kiện để giáo viên cốt cán thực hiện các nhiệm vụ trong năm học.

- Tổ chức học hỏi kinh nghiệm giữa các trường, các huyện, tỉnh bạn.

- Cuối năm học, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, báo cáo về Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện tình hình thực hiện, kết quả, dự kiến kế hoạch của năm học tiếp theo.

 

4.3. Đối với trường tiểu học

- Phối hợp với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn để giới thiệu về chương trình TV1-CGD tới cha mẹ học sinh có con chuẩn bị vào lớp 1 ngay từ cuối năm học, đồng thời tích cực tuyên truyền về chương trình, tài liệu học qua các phương tiện thông tin của nhà trường, của phường xã. Tổ chức giới thiệu với cha mẹ học sinh trước khi bước vào năm học mới để cha mẹ học sinh hiểu được cách làm, mục đích, tư tưởng của môn TV1-CGD;  tạo niềm tin cho cha mẹ học sinh về trình độ và năng lực chuyên môn của giáo viên trong công tác giảng dạy; lưu ý cha mẹ học sinh tuyệt đối không hướng dẫn con học trước ở nhà, đặc biệt không dạy theo phương pháp truyền thống của chương trình cũ.

-  Triển khai đồng bộ với tất cả các lớp của khối 1 trong trường. Tạo điều kiện cho giáo viên dạy tăng thời lượng năm đầu tiên, sử dụng đồ dùng dạy học theo hướng dẫn của thiết kế, tránh lạm dụng công nghệ thông tin.

- Chọn giáo viên có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết dạy TV1-CGD để làm nòng cốt chuyên môn cho trường ở những năm tiếp theo. Giới thiệu cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn trường về TV1-CGD qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, họp hội đồng trường.

- Tổ chức cho cha mẹ học sinh được tham dự các tiết học TV1 - CGD để hiểu được nội dung, phương pháp dạy học TV1-CGD. Cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn khối 1 thường xuyên thăm lớp, dự giờ để kịp thời hướng dẫn cho giáo viên (nếu có vướng mắc).

- Thông qua bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ để nắm bắt chất lượng học sinh, từ đó có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Cuối năm học, hiệu trưởng tổ chức tự đánh giá từ giáo viên, tổ chuyên môn về ưu điểm, tồn tại, kết quả, các giải pháp, ý kiến đề xuất… từ đó rút kinh nghiệm công tác quản lý, chỉ đạo cho năm học tiếp theo và kịp thời báo cáo về Phòng GD&ĐT.

 

4.4. Đối với giáo viên

          - Tham gia tập huấn, tự học để nâng cao kiến thức về ngữ âm, luật chính tả. Thực hiện đúng phương pháp dạy học TV1-CGD.

- Nghiên cứu kỹ thiết kế, nắm chắc thiết kế, cấu trúc, mục tiêu từng bài để dạy linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo dạy đâu được đấy, nếu học sinh chưa đạt yêu cầu phải dạy lại thật chắc mới chuyển sang dạy bài khác.

- Xây dựng kế hoạch bài giảng đảm bảo các nội dung: xác định mục tiêu bài, chuẩn bị, xác định nội dung cơ bản của các “Việc”, đặc biệt là phần Rút kinh nghiệm (giáo viên ghi lại những phần việc, phương pháp, cách thức tiến hành, đồ dùng dạy học, nội dung bài... cần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm cho các tiết học sau).

- Linh hoạt trong việc thực hiện về dung lượng, thời lượng và lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp nhằm đảm bảo học đâu chắc đó.

- Tuân thủ chặt chẽ quy trình mẫu: Thực hiện tiết lập mẫu chắc chắn làm cơ sở vững chắc cho các tiết dùng mẫu, không được lưỡng lự trong việc dạy đánh vần hay tập chép theo phương pháp đại trà.

- Có kế hoạch học bù với những học sinh nghỉ học nhiều buổi và giãn chương trình cho những lớp có học sinh tiếp thu chậm.

- Đối với những học sinh đã học TV1-CGD năm học trước, giáo viên lớp 2 cần điều chỉnh yêu cầu của chương trình Tiếng Việt lớp 2 đại trà: thay nhìn - chép bằng nghe - viết.

 

4.5. Đối với cha mẹ học sinh

- Cần phải tìm hiểu và hiểu một phần về nội dung, phương pháp học, cách tư duy, cách suy nghĩ và cách làm của môn TV1- CGD để không hướng dẫn con theo phương pháp dạy cũ.

 

- Thường xuyên trao đổi, phối hợp với giáo viên để được tư vấn, hỗ trợ về nội dung, phương pháp dạy học và cách nắm bắt kết quả học tập của con. 

 

- Dành thời gian để đến trường tham dự các buổi học ở lớp cùng con hoặc chủ động xem băng hình các tiết dạy minh họa trên mạng hoặc đĩa CD đã được ghi sẵn.

          - Thường xuyên khuyến khích con tự học, kiểm soát việc học của con bằng cách đặt câu hỏi, động viên khen ngợi con thường xuyên; biết kiên nhẫn, biết đợi và lắng nghe những điều con nói; tuyệt đối không dạy con học trước, không chê con khi con chưa làm được, không nên nóng giận và đặt suy nghĩ của mình cho trẻ, không tạo áp lực cho trẻ về thành tích…

 

 

Sức hấp dẫn của việc học tùy thuộc vào Công nghệ học. Công nghệ cao thì có sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù TV1-CGD vẫn còn một số hạn chế trong quá trình dạy học, tuy nhiên thành công bước đầu của dạy học TV1-CGD sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện đối với giáo dục tiểu học bởi giải pháp của dạy học theo tài liệu TV1-CGD đảm bảo cho học sinh lớp 1 lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt. Ngành Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh hy vọng từ hiệu quả bước đầu thực hiện sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong chỉ đạo để tiến tới việc triển khai tới 100 % trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh lớp 1 được học TV1-CGD trong năm học tới./.

 

---------------------------------------------------

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 716
Đã truy cập: 3629633