Nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên về tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đảm bảo hiệu quả và chất lượng giáo dục theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ ngày 24-25/02/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học về dạy học tăng cường tiếng Việt cho cho học sinh tiểu học (tài liệu dành cho HS lớp 4) vùng DTTS. Hội nghị do đồng chí Vũ Thị Thúy Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông - Sở GDĐT phụ trách điều hành chủ trì.
Điểm cầu Trung tâm tại Sở GDĐT có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tiểu học của Sở; các báo cáo viên là cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học cốt cán được tham dự lớp tập huấn do Bộ GDĐT tổ chức. Tại các điểm cầu từ 07 Phòng GDĐT có 270 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tiểu học; cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán dạy lớp 4 năm học 2021-2022 của các địa phương: Hạ Long, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.

(Đ/c Vũ Thị Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GDPT phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị)
Trong buổi khai mạc, đồng chí Vũ Thị Thúy Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông đã đánh giá tổng quan về kết quả đạt được của các địa phương trong việc thực hiện tăng cường tiếng Việt đối với cấp tiểu học trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời cũng thẳng thắn nêu các tồn tại, hạn chế cần tiếp tục rút kinh nghiệm để thực hiện tốt trong giai đoạn tới.
Trong chương trình tập huấn, các học viên đã được giới thiệu về cơ sở, quan điểm biên soạn, nội dung, cấu trúc, hình thức trình bày, cách giảng dạy tài liệu “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số” - tài liệu dành cho học sinh lớp 4, sản phẩm của Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời được tham gia thực hành thiết kế một số tiết dạy theo tài liệu, qua đó các học viên nắm được quy trình, kĩ năng tổ chức dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 4 vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế của các nhà trường, địa phương.
Phát biểu kết luận, đồng chí Vũ Thị Thúy Hà nhấn mạnh:
Các Phòng GDĐT tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) ở địa phương; tổ chức các hoạt động và giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo Kế hoạch số 1669/KH-SGDĐT ngày 15/5/2021 của Sở GDĐT, chú trọng các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS đã triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua như làm tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 và dạy học theo hướng tăng thời lượng môn Tiếng Việt và dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS theo tài liệu của Bộ GDĐT thẩm định; tăng cường rèn luyện các kỹ năng tiếng Việt trong các môn học và các hoạt động khác; tham mưu cho UBND cấp huyện kinh phí triển khai Đề án để hỗ trợ cho giáo viên dạy những tiết tăng cường cũng như hỗ trợ về tài liệu cho học sinh; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với thực tế các trường, điểm trường có học sinh DTTS; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện tăng cường tiếng Việt cho cán bộ quản lý, giáo viên, hỗ trợ giáo viên học tiếng dân tộc tại địa phương nơi công tác để tăng cường tiếng Việt cho học sinh trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; đa dạng hóa hình thức tổ chức thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS để tăng tỷ lệ học sinh đến trường và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS,...
Trong quá trình triển khai Đề án, Sở GDĐT sẽ phối hợp cùng các đơn vị tăng cường kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật dạy học cho các cơ sở giáo dục tiểu học có học sinh người dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; tiếp tục tổ chức các chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn về dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh; kiểm tra, đánh giá tổng hợp kết quả triển khai thực hiện đề án hàng năm từng giai đoạn và kết thúc giai đoạn nhằm đánh giá chính xác và đưa ra những giải pháp kịp thời trong quá trình triển khai.
Một số hình ảnh tại Hội nghị tập huấn



Nguyễn Thị Huyền - Chuyên viên Phòng Giáo dục Phổ thông