Chuyên đề Giáo dục địa phương qua mô hình “Lớp học không biên giới” ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản có sự tham dự của lãnh đạo phụ trách tiểu học của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long. Chuyên đề được thể hiện qua tiết học với chủ đề Khám phá “Nét đẹp quê hương” - là một Dự án của nhà trường trong chương trình giảng dạy nội dung giáo dục địa phương.

Ảnh: Toàn cảnh “Lớp học không biên giới”
Trực tiếp tham dự chuyên đề mới thấy được sự hấp dẫn, thú vị và không khí học tập sôi nổi của giáo viên, học sinh. Tiết học được tổ chức dưới dạng hoạt động nên rất thu hút học sinh, từ hoạt động khởi động, giúp học sinh trải nghiệm để hình thành kiến thức, tới việc cho học sinh được luyện tập thực hành và vận dụng kiến thức. Mỗi hoạt động đều có sự tham gia của các lớp ở các điểm cầu, đã tạo được một không gian học tập mới lạ, hấp dẫn học sinh, không chỉ giúp kết nối khoảng cách của học sinh giữa các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Nội mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số ở cấp tiểu học.
Có thể thấy, tiết học "không biên giới” ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã đem đến sự hứng thú, vui vẻ và hấp dẫn đặc biệt với học sinh của nhà trường bởi không chỉ gói gọn trong một lớp, một trường mà có sự mở rộng sang các trường bạn, tỉnh bạn. Giáo viên và học sinh không những được trao đổi và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bản thân mà còn được giao lưu, tăng tình đoàn kết giữa nhà trường với các trường bạn.
Thầy giáo Phạm Văn Quang- Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Để đưa nội dung giáo dục địa phương đến các em học sinh một cách gần gũi nhất, nhà trường đã xây dựng các Dự án triển khai theo nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Để thực hiện chuyên đề này, nhà trường đã kết nối với hai trường tiểu học ở tỉnh bạn, giúp các em học sinh có cái nhìn toàn diện và sinh động về kiến thức trong và ngoài bài học, về những nét đẹp không chỉ của riêng Quảng Ninh mà còn ở các tỉnh khác. Các điểm cầu cách xa nhau tới vài trăm cây số nhưng khoảng cách địa lý được rút ngắn lại khi các em cùng được học chung một bài học tại cùng một thời điểm.
Mô hình "Lớp học không biên giới” mà Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - thành phố Hạ Long triển khai cho thấy những hiệu quả tích cực ở cấp học. Đây chính là động lực, cũng là tiền đề để các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đổi mới đột phá, khoa học và bài bản nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong thời kỳ chuyển đổi số; thể hiện nỗ lực của cấp học trong việc tạo ra môi trường học tập toàn diện, thích ứng an toàn, linh hoạt trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Một số hình ảnh chuyên đề:


Vũ Thị Thuý Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông