Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra ngày 31/3 vừa qua đã thông qua Nghị quyết một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực ngay sau khi được ban hành đã mang lại ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời điểm toàn tỉnh cùng cả nước đang tập trung bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có trao đổi với đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến nội dung này.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII biểu quyết thông qua Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, ngày 31/3/2020.
Kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh vừa qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh, đồng chí cho biết Nghị quyết được ban hành trong thời điểm cả nước đang trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, có ý nghĩa như thế nào?
+ Trong giai đoạn toàn tỉnh cùng với cả nước bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 245 có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng cho người dân, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai, khẳng định tính nhân văn, trách nhiệm lớn của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân; kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn đối với người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, nhất là hộ nghèo, cận nghèo nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động.
Thứ ba, kịp thời động viên, hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, như cán bộ y tế, quân đội, công an hiện nay đang tham gia công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện cách ly, các chốt kiểm dịch. Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ tốt nhất, an toàn nhất cho các y, bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế có người mắc Covid-19.
Với việc ưu tiêu bố trí nguồn lực ngân sách cao nhất cho công tác phòng, chống dịch chính là việc giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Do đó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản mới nhất để phát triển KT-XH, thu chi ngân sách, đảm bảo phương án phải cụ thể, sát với diễn biến của dịch bệnh, với nguyên tắc có thu mới có chi. Cùng với đó, thực hiện cơ cấu các nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm các khoản chi, kể cả chi thường xuyên và các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa thực sự cấp bách để dành nguồn lực tối đa cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời chuẩn bị tốt nhất các phương án, lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện có hiệu quả trong mọi tình huống có thể xảy ra.
- Trong 6 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, Nghị quyết 245 có đề cập đến việc huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Việc huy động các nguồn lực sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc xác định được nguồn lực rất quan trọng. Vì thế, tỉnh rất chủ động trong việc rà soát, huy động nguồn lực dành cho công tác này. Cụ thể, bố trí tăng mức dự phòng ngân sách ở các cấp từ mức 2% lên 4%, là mức tối đa theo quy định của luật. Với việc xác định này, tỉnh đã tăng trên 500 tỷ đồng, từ 545 tỷ đồng theo dự toán đầu năm thì nay tăng lên 1.018 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên trừ lương và các khoản phụ cấp theo lương (ngoài 10% tiết kiệm mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong dự toán đầu năm).
Tiếp theo, HĐND tỉnh cũng thực hiện chỉ đạo rà soát, cắt giảm nguồn kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản kinh phí cho hội họp, hội thảo, công tác và đào tạo ở nước ngoài và các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Việc cắt giảm này khoảng 600 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa thực sự cấp bách trong năm 2020.
Cùng với đó, tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ bằng tiền và hiện vật để cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Với giải pháp trên, cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc dành tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách, 70% quỹ dự trữ tài chính của ngân sách cấp tỉnh thì tỉnh Quảng Ninh đã dành được khoảng 1.200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng.
- Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 245 có quy định chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng chí cho biết cụ thể đối tượng được thụ hưởng, mức hỗ trợ và thời gian áp dụng thực hiện như thế nào?
+ Với diễn biến tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất nhiều và đối tượng bị mất việc làm cũng rất rộng. Trong quá trình rà soát, trước mắt HĐND tỉnh sẽ hỗ trợ cho 2 đối tượng.
Đối tượng thứ nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Đối tượng thứ hai là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ khả năng để chi trả.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thực hiện theo hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.
Hiện HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tiếp tục rà soát đối tượng người lao động bị mất việc và tình hình việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ các trường hợp phát sinh. Khi Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, tỉnh cũng sẽ áp dụng một chính sách hỗ trợ với mức hỗ trợ cao nhất, có lợi nhất cho người lao động.