Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước và tình hình thực tiễn của địa phương với tư tưởng coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển KT-XH.
Từ năm 2014, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời với đó, tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long, chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh; chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh… Riêng giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nguồn lao động địa phương hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ đã qua đào tạo đạt khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, tuyển sinh 34.000-35.000 người/năm.
Tiếp nối những kết quả đạt được, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tại Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh đã thống nhất định hướng phát triển với 3 khâu đột phá, 4 quan điểm, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh…
Trên quan điểm đó, Quảng Ninh có định hướng cụ thể về đối tượng gắn với nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng khả năng vận dụng thực tiễn sau đào tạo. Trong đó đã tiến hành nhiều chương trình bồi dưỡng cho bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cập nhật kiến thức cho đội ngũ CBCC cấp xã; tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới... Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, như ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...
Tỉnh cũng gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với một trong những nội dung công tác trọng tâm trong giai đoạn mới là chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định việc xây dựng nguồn “nhân lực số” sẽ là một nhiệm vụ trọng yếu. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, 100% CBCCVC trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% CBCCVC cấp huyện, cấp xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Để đạt được những mục tiêu trên, Quảng Ninh đã và đang lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc cho tỉnh.
Tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với kinh phí khoảng 1.133 tỷ đồng. Đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Theo đó, Quảng Ninh dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 CBCCVC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 CBCCVC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng...
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, Quảng Ninh cũng quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.
Phòng Khoa giáo Văn xã Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng Thông tin điện tử Báo Quảng Ninh (https://baoquangninh.com.vn/