|
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp và ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID - LinkSME đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành CĐS thành công.
Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát 1000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo;… thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, tính tất yếu của xu hướng CĐS đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.
Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.
Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã quyết liệt quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS, chủ động huy động các nguồn lực để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME cho biết, nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS và hiện đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến, chiến lược CĐS của riêng mình, nhờ đó mà thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn.
Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh hơn nữa quá trình CĐS cho doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm xây dựng thêm một số tài liệu sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về CĐS cho những doanh nghiệp được lựa chọn. “Tất cả các hoạt động này dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023,” ông Daniel chia sẻ.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong hành trình CĐS so với năm 2021.
Thứ nhất, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành CĐS có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều. Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới CĐS của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là DNNVV vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện CĐS một cách rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy mà việc đầu tư CĐS vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng CĐS khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.
Thứ tư, định hướng và chiến lược, con người và tổ chức, trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh là 3 khía cạnh có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Thứ năm, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo./.
Phòng Khoa giáo Văn xã - Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư https://www.mpi.gov.vn/