Cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên smartphone. Ảnh: Trúc Linh
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, của huyện về chuyển đổi số toàn diện, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng. Đội ngũ cán bộ các thôn là nòng cốt hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng... Theo ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử địa phương... Đặc biệt là nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập.
Còn tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà), các thành tựu công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều, hiệu quả hơn vào các lĩnh vực đời sống, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân. Để đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống, toàn bộ 11 thôn của xã đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, do các Bí thư chi bộ là Tổ trưởng và tổ viên là Trưởng ban Công tác mặt trận, trưởng các chi hội, đoàn thể. Đây là đội ngũ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội trên nền tảng số, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tương tác với chính quyền qua các kênh trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử... Có thể thấy, người dân nông thôn cũng đang dần quen và từng bước tham gia hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số.
Người dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) cập nhật thông tin của địa phương qua kênh tuyên truyền chính thống trên mạng xã hội.
Chuyển đổi số ở nông thôn còn thể hiện rất rõ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nhiều người dân, doanh nghiệp, HTX đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, vận dụng để tối ưu các khâu sản xuất. Như tại tại Khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao tại xã Tân Lập (huyện Ðầm Hà) do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, công nghệ số đã giúp đồng bộ toàn thể hệ thống quản lý quá trình sinh trưởng con tôm, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đó là hệ thống máy tính theo dõi tổng hợp, ghi nhận số liệu từ đồng thời các khu sản xuất tảo, hệ thống lọc nước và cho tôm ăn tự động, phòng xét nghiệm... đạt chuẩn quốc tế. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng...
Còn trên địa bàn TX Đông Triều, nhiều đơn vị, HTX và hộ dân cũng ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định.
Việc chuẩn hóa như vậy nhằm từng bước chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Nông sản của tỉnh cũng sẽ hoàn toàn tạo được ưu thế trên thị trường, chinh phục được những hệ thống phân phối uy tín và người tiêu dùng. Từ đó, mức thu nhập của người nông dân được cải thiện, nâng cao đáng kể. Vì vậy có thể khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, phù hợp đã và đang góp phần quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn trong tỉnh, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền.
Ngày 20/2/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2023, trong đó đặt ra 35 chỉ tiêu và 52 nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên triển khai thực hiện; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai và định rõ thời gian hoàn thành.
Đến nay, 100% khu dân cư tập trung đã có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã đạt 95% (mục tiêu 92%); 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng (mục tiêu 88%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (mục tiêu 95%); 100% cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện chuyển đổi số (mục tiêu 95%); 5 đơn vị (đạt tỷ lệ 10% số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh) triển khai bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về Hồ sơ bệnh án điện tử; 100% các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh triển khai học bạ điện tử...
Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng thông tin điện tử https://baoquangninh.vn/