Năm 2023 sắp khép lại, Quảng Ninh trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế khi tăng trưởng GRDP năm 2023 ước đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 đến nay) đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số.
Tỉnh có thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội và HĐND tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu cả nước.
Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Quảng Ninh ước đạt 5 tỷ USD. Trong số đó, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, hiện tại dẫn đầu cả nước. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay.
Khu công nghiệp Sông Khoai, Quảng Ninh. Ảnh: baoquangninh.vn
Đến nay, toàn tỉnh có 174 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13,94 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) là đối tác dẫn đầu tổng vốn đầu tư đăng ký (chiếm 38,4%), tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51,73%), tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, dịch vụ...
Điển hình như, tháng 6/2023, Tập đoàn Foxconn - một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới có mặt tại Quảng Ninh từ năm 2019, đã đầu tư hai dự án sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện, linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin… tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Hai dự án này đã nâng tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn tại Quảng Ninh hiện nay lên trên 350 triệu USD.
Tháng 10/2023, Tập đoàn Jinko Solar - một trong những doanh nghiệp sản xuất tấm quang năng lớn nhất trên thế giới tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Texhong - Hải Hà (huyện Hải Hà) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Cùng với 1 dự án công nghệ tế bào quang điện, 2 dự án công nghiệp tấm silic tại Khu công nghiệp Sông Khoai và 1 dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại thị xã Quảng Yên, dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này trên địa bàn tỉnh lên đến gần 2,7 tỷ USD.
Cũng trong tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh, là nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử của Tập đoàn Lite-on Technology Corporation tại Khu công nghiệp Sông Khoai với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.
Mới đây, ngày 17/11, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản năm 2023 được tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư trên 80 triệu USD, gồm: dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam; dự án Parts Seiko Việt Nam; dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam; dự án Nhà máy Sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh nhấn mạnh: Sự thành công của tỉnh trong thu hút đầu tư FDI không chỉ dừng lại ở những con số về tổng vốn đầu tư, mà quan trọng hơn đó là lĩnh vực, sản phẩm và dự án thu hút đều đảm bảo theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng… Đây là kết quả của việc tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Phương tiện chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam)- Đông Hưng (Trung Quốc) tại khu vực cầu Bắc Luân II. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là chìa khóa thành công của Quảng Ninh trong thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững, cải thiện điểm số của các Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI; thực hiện miễn giảm một số khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Cung cấp 1.771 thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền; trong đó cung cấp 1.121 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ dịch vụ công toàn trình và một phần đạt 71%. Toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó trên 77% tổng số hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 99,7%; có trên 72% tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; kết nối, liên thông với 14 cơ sở dữ liệu bộ, ngành Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Tỉnh tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy mong muốn lan tỏa thông điệp: Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt như: du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
"Quảng Ninh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Tỉnh xác định “Đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các nút thắt của nhà đầu tư; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp... Tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư FDI đều ghi nhận sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất, kịp thời của tỉnh là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp đầu tư FDI tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư thời gian tới.
Việc các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư sản xuất tại Quảng Ninh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện các dự án mới là minh chứng từ thực tiễn cho thấy sự tin tưởng vào những cam kết của tỉnh trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng như khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Năm 2024, Quảng Ninh xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Quảng Ninh phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; GRDP bình quân đầu người năm 2024 phấn đấu đạt trên 10.000 USD.