TP Hạ Long lung linh trong đêm.
Trải qua những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được người dân Quảng Ninh qua nhiều thế hệ hun đúc, phát huy. Thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với thách thức chưa từng có, song “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong muôn vàn khó khăn, Quảng Ninh đã có những quyết sách mạnh mẽ, từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế.
Nhiều mô hình mới, cách làm đột phá mà Quảng Ninh làm thí điểm đã đạt hiệu quả rõ nét, được ghi nhận, đánh giá cao, có mô hình được nhân rộng trong cả nước. Chia sẻ về những bước đi, cách làm của Quảng Ninh, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận nhấn mạnh: Khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo đã mang lại bước phát triển cho Quảng Ninh, khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, mang lại một mô hình phát triển kinh tế bền vững, đột phá mà nhiều địa phương đang cố gắng vươn lên có thể tham khảo. Quảng Ninh đang dần hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị bền vững và đội ngũ lãnh đạo có tầm, dám quyết, dám làm, chắc chắn tỉnh sẽ đạt được những thành tựu đặt ra như mong đợi.
Du khách quốc tế thích thú chụp ảnh trên Vịnh Hạ Long.
Tỉnh luôn kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về huy động nguồn lực đầu tư đối tác công-tư (PPP), "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thu hút nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế - nguồn động lực đột phá tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng theo chiều sâu hợp tác quốc tế.
Tỉnh cũng kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Đặc biệt, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 35% năm 2010 còn 20,2% năm 2023, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế tích cực, bền vững hơn theo hướng CNH, HĐH, xanh hóa. Quảng Ninh tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo hướng kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.
Xã vùng cao Đại Dực (huyện Tiên Yên).
Mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân được tỉnh hiện thực hóa thông qua hàng loạt các nghị quyết, quyết sách, chương trình. Tỉnh phát triển khá cân đối giữa các vùng miền, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 9.500 USD (gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000, gấp 40,5 lần so với năm 1995), gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước và đứng thứ 2 toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, nâng lên, đặc biệt là thu nhập của đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, năm 2023 ước đạt 6,112 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước. Hết năm 2022 tỉnh hoàn thành chương trình MTQG xây dựng NTM, đang bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; hoàn thành trước 3 năm chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để chuyển sang giai đoạn triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là điểm đến của nhiều chuyến tàu biển và sự kiện quốc tế.
Quảng Ninh hôm nay thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng phên dậu vùng Đông Bắc Tổ quốc. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa giai đoạn tới. Với mỗi công dân của Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương tiếp tục hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng thông tin điện tử https://baoquangninh.vn/