Hiện ở hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu kết quả khám sức khỏe của công dân và cập nhật lên hệ thống của ngành y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục trực tuyến cần sử dụng đến giấy khám sức khỏe điện tử. Điển hình như, thủ tục đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, quá trình thao tác trên hệ thống dịch vụ công, người dân chỉ cần nhập mã số giấy khám sức khỏe điện tử (đã được cung cấp trước đó) hệ thống tự liên thông đến kết quả giấy khám sức khỏe bản điện tử của công dân mà không cần phải sử dụng bản kết quả giấy.
Cùng với lĩnh vực y tế, các ngành GT-VT, Công an... cũng đồng thời thực hiện việc số hóa, liên thông hệ thống chuyên ngành với hệ thống dịch vụ công để người dân, CBCC khai thác dữ liệu số, tra soát trực tiếp lỗi vi phạm, thanh toán trực tuyến thông suốt trong quá trình hoàn thành thủ tục đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
“Sau khi khám sức khỏe, tôi chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành các thủ tục trực tuyến đổi giấy phép lái xe. Việc số hóa các dữ liệu thông tin để người dân có thể sử dụng được rất kịp thời và có nhiều lợi ích thuận lợi cho người dân. Quá trình khai thác các dữ liệu số hóa cũng không xảy ra lỗi, thời gian làm việc nhanh chóng, không phải đi lại nên tôi khá hài lòng” - Ông Lê Kim Giang (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), cho biết.
Với việc ứng dụng số hóa và khai thác dữ liệu số trong việc đổi giấy phép lái xe, Quảng Ninh hiện đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng đổi bằng trực tuyến với trên 15.100 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý kể từ ngày 1/1/2023 đến nay.
Công dân chủ động nộp hồ sơ trực tuyến sau khi các giấy tờ hồ sơ đã được số hóa.
Bên cạnh đó, việc số hóa và khai thác dữ liệu số trong giải quyết TTHC được tỉnh triển khai ở tất cả các lĩnh vực. Theo anh Hoàng Văn Đức, nhân viên quản trị hệ thống chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, hiện nay hồ sơ giấy tờ công dân đã từng nộp thì đều được số hóa, do đó ở lần giao dịch TTHC tiếp theo nếu phải sử dụng lại những giấy tờ mà công dân đã từng nộp thì cán bộ có thể tra cứu trên hệ thống để đối sánh, thẩm định giải quyết TTHC thuận lợi cho công dân, qua đó tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức đi lại, đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của CBCC.
Ngoài ra, thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kết nối, CBCC có thể khai thác các dữ liệu phục vụ việc rà soát thông tin, giải quyết TTHC thiết yếu, công dân không cần cung cấp nhiều hồ sơ giấy tờ giấy như trước đây. Chị Lâm Anh Thư (cán bộ tư pháp hộ tịch phường Hồng Gai, TP Hạ Long), cho biết: "Thông tin chúng tôi tra cứu được trên hệ thống dữ liệu dân cư thay thế toàn bộ thông tin của sổ hộ khẩu cũ và còn có nhiều trường thông tin mới hơn mà sổ hộ khẩu trước đây không có. Đối với người dân bây giờ đi làm thủ tục cấp phường cũng đơn giản hơn rất nhiều, có thủ tục chỉ cần mang điện thoại thông minh để cung cấp thông tin là được".
Các lĩnh vực giáo dục, y tế cũng thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác dữ liệu. Hiện toàn bộ thông tin của gần 22.000 cán bộ, giáo viên, 350.000 học sinh trên toàn tỉnh được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. Các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy giúp nâng cao công tác quản lý, quản trị, tra soát các thông tin về học sinh theo hướng khoa học, hệ thống.
Ngành Y tế tăng cường ứng dụng số hóa trong cả hoạt động chuyên môn và quản lý, quản trị.
Hiện đã có hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; 100% dữ liệu khám chữa bệnh tại các đơn vị được liên thông dữ liệu với Hồ sơ sức khỏe. Quảng Ninh đã có 5 đơn vị y tế được công nhận thực hiện bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh, chiếm 16% cả nước. 100% đơn vị đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT giấy; đặt lịch hẹn khám online; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt… Hiện Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành số hóa các đơn vị y tế nhằm khai thác trục dữ liệu, tích hợp dữ liệu toàn tỉnh, phục vụ công tác liên thông khai thác sử dụng chung tài nguyên, xây dựng big data từ đó giúp cho công tác quản lý, ứng dụng AI… hiệu quả.
Trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh tiếp tục tập trung xây dựng dữ liệu số, trọng tâm là số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, địa phương, khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Phòng Khoa giáo Văn xã - Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng thông tin điện tử https://baoquangninh.vn/