Mặc dù đã nghỉ hưu và gia đình cũng không buôn bán kinh doanh, song bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cũng đã quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bà cho biết: Tôi lập tài khoản ngân hàng được hơn một năm nay, khi mua sắm những đồ dùng trong gia đình, hầu như tôi đều chuyển khoản thay vì dùng tiền mặt.
Không chỉ bà Sơn mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã hình thành thói quen không dùng tiền mặt. Để đẩy mạnh chủ trương không dùng tiền mặt, tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng Internet ở cả vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Trạm BTS được đầu tư tại thôn Vạn Cả, xã Cái Chiên giúp người dân trong xã thuận tiện trao đổi thông tin qua điện thoại, mạng Internet để phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai xây dựng 7 trạm BTS để phủ lõm sóng theo kế hoạch năm 2023; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông, đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng, chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Sở cũng đã thẩm định hồ sơ và chấp thuận 7 vị trí xây dựng cột ăng ten của Mobifone Quảng Ninh phù hợp với Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 07/9/2023 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; kế hoạch triển khai năm 2023 và Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động của doanh nghiệp năm 2024.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành chuẩn hóa thông tin đối với 1.503.641/1.503.641 thuê bao chính chủ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã thực hiện chuyển đổi Sim 2G lên 4G cho 11.235/118.696 thuê bao trên địa bàn tỉnh chiếm 9,5%. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 106,7%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 95,2%; tỷ lệ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao sóng 3G đạt 30,31%, 4G đạt 49,88%, 5G đạt 0,03%.
Người dân quét mã QR-Code thanh toán các khoản phí tại UBND xã Cẩm La (TX Quảng Yên). Ảnh: Cao Quỳnh
Về phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp.
NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, bao gồm việc thu phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, phí xét tuyển đại học, nộp phạt vi phạm giao thông... Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong thanh toán các dịch vụ công, như: Viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội, phí giao thông...
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, công tác tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt cùng được đẩy mạnh từ thực hiện trên các loại hình báo chí và cổng thông tin điện tử, thông tin cơ sở, các nền tảng mạng xã hội... Riêng Trung tâm Truyền thông tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện tuyên truyền trên các hạ tầng khoảng 110 tin, bài, ảnh, video clip; gần 250 chuyên đề về Đề án 06 và chuyển đổi số, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt...
Người dân thanh toán bằng cách quét mã QR code tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Vân Đồn. Ảnh: Cao Quỳnh
Một số hội cũng tích cực trong công tác tuyên truyền không dùng tiền mặt. Tiêu biểu như Hội Nông dân tỉnh tổ chức 17 hội nghị tập huấn hướng dẫn 1.530 hội viên nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ trên 5.000 hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, trong đó ít nhất 1.500 tài khoản có phát sinh giao dịch. Hay Hội phụ nữ tỉnh tổ chức 18 hội nghị tập huấn giới thiệu ứng dụng nền tảng số trong quản lý kinh doanh và tiêu dùng thông minh...
Nhờ đồng bộ cả về hạ tầng, tuyên truyền, vận động, đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động; 477.000 tài khoản mở bằng hình thức eKYC; có 59.898 TK doanh nghiệp; bình quân có 2,4 TK đang hoạt động/1 người dân từ 15 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, còn có 795,7.000 TK Mobile Money. Việc chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản đạt 66.289 người/133.606 người; chi trả an sinh xã hội cho đối tượng chính sách xã hội đạt 32.158/62.316 người với tổng kinh phí là 126.665.131 nghìn đồng.
Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) không dùng tiền mặt hiện nay đạt tỷ lệ 97,1%. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện đạt 97,8%. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước đạt 92,2%; học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 92%; viện phí tại các bệnh viện đạt 43,8%; viện phí tại các Trung tâm y tế cấp huyện đạt 22,6%.
Tỉnh cũng đã thực hiện thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt 94,4%; thực hiện thu phí tham quan Vịnh Hạ Long đạt 81%. 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất một giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng.
Phòng Khoa giáo Văn xã - Sở Kế hoạch và Đầu tư trích theo Cổng thông tin điện tử https://baoquangninh.vn/