QNP - Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp bằng những chương trình, giải pháp cụ thể.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 16.570 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 162.055 tỷ đồng, trong đó có gần 300 doanh nghiệp lớn, còn lại đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về làm việc tại tỉnh, Quảng Ninh phải đạt mục tiêu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 nên từ nhiều năm nay, công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tỉnh quán triệt, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Với phương châm “Sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của tỉnh”, Quảng Ninh đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt này bằng những hành động cụ thể, mang tính cốt lõi, mở ra cánh cửa rộng cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay, địa bàn sản xuất, thị trường kinh doanh, như: tổ chức đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp; đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ và ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngay từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 13/11/2017, kế hoạch hành động với 12 nhóm giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho 35 sở, ngành, đơn vị cùng 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Cụ thể hóa giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cải cách TTHC theo hướng "giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí"; tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; rà soát, chuẩn hóa tăng số TTHC thực hiện đủ 4 bước "tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả" tại Trung tâm Hành chính công các cấp.
Cùng với đó, tỉnh triển khai hệ thống "một cửa điện tử" tại 100% cơ quan, đơn vị có TTHC giao dịch. Qua đó, đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết TTHC so với quy định và Nghị quyết 35 của Chính phủ, như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp rút ngắn còn 2 ngày (giảm 1 ngày); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 1 ngày (giảm 2 ngày); thông báo nộp tiền lệ phí trước bạ, sử dụng hóa đơn còn 2 ngày (giảm 3 ngày). Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 99%, vượt 1% so với mục tiêu đề ra; nộp thuế điện tử đạt 95%, vượt 5% so với mục tiêu đề ra...

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại cafe doanh nhân.
Đặc biệt, đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan và thời gian thông quan hàng hóa thông qua triển khai hệ thống thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng điện tử (e-payment); triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan với 42 thủ tục; 100% Chi cục Hải quan thực hiện khai báo thủ tục hải quan điện tử, 100% tờ khai được hỗ trợ khai báo qua hệ thống thông quan điện tử; thời gian thông quan hàng hóa trung bình đối với hàng xuất khẩu là 21 giờ 34 phút, trung bình đối với hàng nhập khẩu là 39 giờ 45 phút...
Cùng với những giải pháp nêu trên, hàng tháng, quý, tỉnh cũng chủ động chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, hội nghị chuyên ngành, cafe doanh nhân để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn...
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp quý II-2018 đã có gần 700 doanh nghiệp được thông tin về chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực được quan tâm. Đối với 65 câu hỏi được tiếp nhận tại hội nghị, đến nay tỉnh đã phúc đáp 62/65, còn lại 3 câu hỏi đã được chuyển cho các đơn vị liên quan trực tiếp phản hồi. Từ sự vào cuộc tính cực của các cấp, các ngành nên trong 7 tháng, tỉnh Quảng Ninh đã có thêm 1.480 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 14.900 tỷ đồng, tăng 15,3% về doanh nghiệp và tăng 134% về số vốn so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển.
Trong các cuộc họp của UBND tỉnh gần đây, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh có nhấn mạnh đến các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2018 những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên cơ sở rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách của tỉnh trước đây đã ban hành và căn cứ vào các Nghị định mới của Chính phủ”.
Những nỗ lực trên của Quảng Ninh đã được đền đáp khi chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số CCHC năm 2017 của tỉnh đều đứng đầu cả nước. Điều đó cho thấy niềm tin, sự ghi nhận, đánh giá ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh trên con đường kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp./.
Phòng Khoa giáo, Văn Xã - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Trích Cổng TTĐT tỉnh)