I. Ai phải xin cấp phép
II.Các loại giấy phép
1. Giấy phép băng tần
2. Giấy phép tần số và thiết bị
III. Điều cần biết khi xin cấp giấy phép
IV.Qui định chung về phí, lệ phí
1. Khái niệm phí, lệ phí
2. Đối tượng phải nộp phí
3. Đối tượng được tạm thời miễn nộp phí
4. Một số trường hợp áp dụng mức thu cụ thể
V.Trách nhiệm của người sử dụng
VI. Sử dụng tần số trong trường hợp khẩn cấp.
I . Ai phải xin cấp phép:
Mọi tổ chức, cá nhân (người sử dụng) sử dụng băng tần số (băng tần), tần số vô tuyến điện (tần số) và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (thiết bị ) phải có giấy phép trừ trường hợp thiết bị sử dụng nằm trong danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện.
Danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện do Bộ Thông tin Truyền thông quy định và công bố; các thiết bị trong danh mục này khi sử dụng phải tuân theo các điều kiện kỹ thuật và khai thác cụ thể của quy định.
( Điều 64, chương IV, Pháp lệnh BC,VT)
II. Các loại giấy phép:
1. Giấy phép băng tần: là giấy phép cấp cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng một đoạn băng tần số xác định kèm theo các điều kiện quy định về giới hạn trên và dưới của đoạn băng tần số (bao gồm cả phần băng tần bảo vệ); phạm vi phủ sóng; mức phát xạ cực đại được phép ở ngoài băng tần, ngoài phạm vi phủ sóng và các điều kiện khác.
Hiện nay Giấy phép này đang được cấp cho các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ công cộng.
Thời hạn của Giấy phép: tối đa là 15 năm.
2.Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện: cho phép người sử dụng được sử dụng một hay nhiều tần số nhất định cho một hoặc nhiều thiết bị vô tuyến điện kèm theo các điều kiện quy định cụ thể về địa điểm, phạm vi được phát sóng và điều kiện kỹ thuật, khai thác (tần số thu và phát, tham số kỹ thuật phát sóng, qui ước liên lạc…).
Thời hạn của Giấy phép: tối đa là 5 năm.
III. Điều cần biết khi xin cấp giấy phép :
1. Giấy phép được cơ quan quản lý xem xét cấp với các điều kiện sau:
1.1. Tần số và mục đích sử dụng phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển viễn thông; Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy hoạch tần số khác;
1.2.Đảm bảo sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm phổ tần số vô tuyến điện.
1.3.Tuân theo định mức sử dụng và tiêu chuẩn kỹ thuật về tần số vô tuyến điện của quốc gia và quốc tế.
1.4 Có tần số để cấp phép
1.5. Nộp đủ lệ phí và phí
2. Cơ quan quản lý khi cấp phép sẽ xem xét các yếu tố:
2.1. Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng sử dụng và giữa các nghiệp vụ vô tuyến điện cùng loại.
2.2. Tuỳ theo chính sách và chủ trương phát triển ngành, xu hướng của thế giới, các công nghệ mới có thể được ưu tiên.
( Điều 9, chương III, NĐ24/2004/NĐ-CP)
3.Các hành vi bị nghiêm cấm:
3.1.Mua bán, chuyển nhượng các loại giấy phép tần số vô tuyến điện.
( Điều 62, chương IV, Pháp lệnh BC,VT)
3.2.Sử dụng tần số và thiết bị phát sớng VTĐ không có giấy phép hoặc sai quy định trong giấy phép
4.Thu hồi giấy phép
Giấy phép bị thu hồi trong những trường hợp sau:
- Người sử dụng không triển khai trên thực tế các nội dung quy định trong giấy phép kể từ ngày được cấp giấy phép sau 1 năm đối với giấy phép băng tần và sau 06 tháng đối với giấy phép tần số và thiết bị.
- Sử dụng tần số không đúng mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí phổ tần số vô tuyến điện đã được cấp giấy phép.
- Khi có sự điều chỉnh Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện.
( Điều 11, chương III, NĐ24/2004/NĐ-CP)
IV. Qui định chung về phí, lệ phí
1. Khái niệm phí, lệ phí
a. Phí: là khoản thu do Nhà nước quy định để bảo đảm bù đắp những chi phí gián tiếp và trực tiếp cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại; bảo đảm thi hành các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.
Mức phí được xác định trên cơ sở giá trị phổ tần số sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng; mật độ sử dụng tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phép.
b. Lệ phí: là chi phí mà người sử dụng phải nộp khi được cấp giấy phép, lệ phí được thu để phục vụ công việc quản lý nhà nước.
(Điều 3, Chương I, Pháp lệnh phí, lệ phí)
2. Đối tượng phải nộp phí
- Trừ một số trường hợp được miễn hoặc nộp một phần phí quy định dưới đây, tất cả người sử dụng được cấp giấy phép đều phải nộp phí sử dụng và lệ phí .
- Phí, lệ phí thu bằng tiền Việt Nam. Trường hợp người sử dụng có nhu cầu nộp phí, lệ phí bằng đôla Mỹ (USD) thì phải quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp tiền.
3. Các trường hợp được tạm thời miễn nộp phí :
3.1. Đài phát sóng vô tuyến điện của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam thuộc diện ưu đãi, miễn trừ ngoại giao;
3.2. Đài phát sóng vô tuyến điện phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng;
3.3. Đài phát sóng vô tuyến điện sử dụng các tần số quy định cho mạng thông tin phòng chống thiên tai, lụt bão thuộc Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp ở địa phương; các ngành Thuỷ lợi, Khí tượng thuỷ văn, Bưu điện và các trường hợp khác để phục vụ phòng chống thiên tai, lụt bão. Thời gian không thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện được tính theo thời gian trực ban quy định của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương;
3.4. Đài phát sóng vô tuyến điện trực tiếp phục vụ việc tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn;
3.5. Đài phát sóng vô tuyến điện của các tổ chức từ thiện phục vụ hoạt động nhân đạo;
3.6. Đài phát sóng vô tuyến điện thuộc hệ đặc biệt phục vụ trực tiếp sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ;
3.7. Các tần số cấp cứu, cứu hộ do các đài phát sóng vô tuyến điện sử dụng theo quy định hiện hành.
4. Một số trường hợp áp dụng mức thu cụ thể :
+ Máy phát thanh, truyền hình của đài, trạm phát thanh, truyền hình các huyện, xã hoặc đơn vị hành chính tương đương (nếu có): phí sử dụng tần số vô tuyến điện bằng 30% mức phớ quy định tương ứng.
+ Máy phát thanh, truyền hình của đài phát thanh, truyền hình các tỉnh : phí sử dụng tần số bằng 50% mức phớ quy định tương ứng
Trừ máy phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam; máy phát hình của Đài Truyền hình Việt Nam; máy phát thanh, truyền hình của các đài thành phố trực thuộc Trung ương phải nộp đủ phí, lệ phí theo mức quy định.
Quy định chi tiết về lệ phí và phí sử dụng tần số vô tuyến điện tham khảo tại Quyết định số 22/2005/QQĐ-BTC ngày 11/04/2005 và Quyết định số 61/2007/QĐ-BTC ngày 12/07/2007 của Bộ Tài Chính.
V.Trách nhiệm của người sử dụng
Người sử dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng tần số và thiết bị ; nộp phí theo quy định; không gây nhiễu có hại cho các đài vô tuyến điện khác và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.
( Điều 64, chương IV, Pháp lệnh BC,VT)
VI. Sử dụng tần số và thiết bị trong trường hợp khẩn cấp
1. Trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng con người có thể sử dụng tạm thời tần số, thiết bị chưa được cấp phép và phải thông báo kịp thời cho Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin Truyền thông khi điều kiện cho phép.
2. Đài vô tuyến điện khi gửi thông tin hoặc tín hiệu cấp cứu được phép phát sóng để thu hút sự chú ý ở cả các tần số không dành riêng cho gọi cứu nạn quốc tế và quốc gia.
3. Các đài vô tuyến điện khi nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu phải lập tức ngừng phát sóng trên tần số có khả năng gây nhiễu cho thông tin cấp cứu và phải liên tục lắng nghe trên tần số phát gọi cấp cứu; trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho Cơ quan tìm kiếm cứu nạn.
( Điều 23, chương III, NĐ24/2004/NĐ-CP)