Quảng Ninh thúc đẩy tiêu thụ nông, thuỷ sản trong mùa dịch bệnh (Thông tin báo chí số 141)

30/06/2021 08:00

* Quảng Ninh thúc đẩy tiêu thụ nông, thuỷ sản trong mùa dịch bệnh

Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động trực tiếp đến thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh, khiến cho người dân, doanh nghiệp hết sức lao đao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc tháo gỡ khó khăn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã phục hồi, ổn định trở lại, thậm chí còn có nhiều cơ hội mới. Qua đó, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, từng bước phục hồi kinh tế.

Liên tiếp những tín hiệu vui 

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6.900ha, sản lượng ước đạt hơn 25.400 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.123ha, sản lượng ước đạt trên 144.400 tấn. Toàn tỉnh có 547 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản các loại; 449 sản phẩm OCOP với 172 đơn vị tham gia. Tổng số sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp là 329 sản phẩm, chiếm 73,2%, thuộc 124 tổ chức kinh tế. Hầu hết các sản phẩm này đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông, thủy sản, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa, như: Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thủy sản qua các sàn thương mại điện tử; đưa nông, thủy sản vào tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, tại các bếp ăn tập thể, nhất là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các KCN trên địa bàn… Qua đó đã góp phần tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng, cũng như nông sản bị ứ đọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chị Phạm Thị Bảy (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), chia sẻ: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động quá lớn đến những người nuôi trồng thủy, hải sản như chúng tôi. Các sản phẩm làm ra đều ở trong tình trạng tồn đọng, giảm giá sâu, nhưng vẫn rất khó trong việc tiêu thụ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, chung tay từ chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, sản phẩm thủy sản của người dân chúng tôi đã được tiêu thụ ra thị trường. Hy vọng, dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, để người dân chúng tôi yên tâm sản xuất, bám biển phát triển kinh tế trong thời gian tiếp theo.

Thống kê về tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản nội tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân 90.800 tấn nông sản, thủy sản các loại và trên 1 triệu quả trứng gia cầm. Một trong những biện pháp bán hàng hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh là bán hàng online qua website, facebook, điện thoại, zalo với 109.682 đơn hàng, tương đương trên 227 tỷ đồng.

Trong đó, một số siêu thị có lượng giao dịch online lớn, như: Vinmart với 56.286 đơn hàng, tương đương trên 25 tỷ đồng; Go! Hạ Long với 21.836 đơn hàng, tương đương trên 15 tỷ đồng; MM Mega Market với 19.626 đơn hàng, tương đương trên 8 tỷ đồng; TTP với 3.916 đơn hàng, tương đương trên 2 tỷ đồng; Lan Chi với 2.914 đơn hàng, tương đương trên 1 tỷ đồng...

Hiện đã có 223 sản phẩm nông, thủy sản đang được tăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.806 đơn hàng đặt hàng, trong đó có khoảng 80% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch.

Cùng với đó, hoạt động XNK đã được khôi phục trở lại tại các cửa khẩu với việc đảm bảo nghiêm ngặt những điều kiện phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là việc xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, như: Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 vùng trồng cây ăn quả, với 3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long và 4 vùng trồng vải, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phía Trung Quốc đã tạm đóng cửa thị trường, tuy nhiên hiện tại việc xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc đã từng bước sôi động trở lại trên cơ sở vẫn đảm bảo nghiêm việc phòng chống dịch bệnh. Đây là điều kiện rất tốt để tiêu thụ hàng hóa, nông, thủy sản của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 523,3 tấn nông sản các loại; sản phẩm ruột hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào thị trường Đài Loan đạt trên 720 tấn. Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chủ động khảo sát nhu cầu tiêu thụ hàu sống nguyên con, ruột hàu sống tại các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Cumpuchia...

Với sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, hiện nay các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã không còn lượng tồn nhiều, hàng hóa đa số đã có thị trường tiêu thụ ổn định, một số mặt hàng như cam, vải thiều, ngao hai cùi, hàu, gà, cơ bản đã tiêu thụ đạt và vượt sản lượng cần hỗ trợ tiêu thụ, các mặt hàng khác vẫn đang tiêu thụ ở mức ổn định.

Tiếp tục tìm kiếm thị trường mới

Mặc dù việc tiêu thụ nông, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã bình thường trở lại, song người dân, doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn không được chủ quan, mà phải lường trước mọi tình huống để tránh bị động. Về lâu dài cần phải có giải pháp khả thi, bền vững hơn. 

Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT cùng UBND các địa phương rà soát, thống kê hàng hoá, nông sản, hoa màu... do nhân dân trong tỉnh nuôi, trồng đến thời điểm thu hoạch để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho nhân dân. Đến nay, nhiều chương trình đã được thực hiện và đạt được hiệu quả, giúp cho người dân, doanh nghiệp giải tỏa được nỗi lo về thị trường.

Điển hình như đã thực hiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông, thủy sản của tỉnh với các đơn vị kinh doanh, phân phối trong và ngoài tỉnh. Hiện đã có 41 sản phẩm OCOP với 42 mã hàng gồm nhiều nông sản, thủy sản được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, việc phát triển tiêu thụ nông, thủy sản tại thị trường nội địa với nhiều giải pháp đã được tổ chức, triển khai, như: Hội chợ triển lãm, tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm; gian hàng trực tuyến qua các trang bán hàng Sendo, Tiki, Voso… hay thông qua các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các hoạt động thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng miền cũng sẽ là cầu nối vững chắc để người dân, doanh nghiệp sản xuất nông, thủy sản phát triển được thị trường.

Cùng với đó, tại lối mở cầu phao Km3+4 (TP Móng Cái), các cơ quan chức năng đã kết nối, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm… đáp ứng được yêu cầu đối với hàng hóa, nông sản nhập khẩu của phía bạn Trung Quốc. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh được tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong tiêu thụ nông, thủy sản, Sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu những chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng và xây dựng nghị quyết riêng để phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo tốt việc mở rộng thị trường tiêu thụ nguồn thủy, hải sản của tỉnh khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ nông, thủy sản hàng ngày, để kịp thời có những giải pháp, đề xuất điều tiết thị trường cho phù hợp, không để tình trạng tồn hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc thu mua nông, thủy sản của tỉnh; phối hợp, liên hệ với các đối tác lớn thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm, nhằm tránh bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Đặc biệt, Sở sẽ thường xuyên thực hiện trao đổi thông tin với các đơn vị kinh doanh, sản xuất trong tỉnh, để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời cùng tháo gỡ, giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng được thị trường, tìm kiếm được thêm nhiều bạn hàng mới, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững.

(Thông tin đăng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh tại link: https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=100359)

 

* Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cẩm Phả thăm, động viên các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid – 19

Theo thông tin từ TP Cẩm Phả, ngày 29/6/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cẩm Phả đã tổ chức đi thăm, động viên 8 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đồng thời trao tặng các nhu yếu phẩm như nước uống, sữa, mì ăn liền, thùng giữ nhiệt, trị giá 29,6 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí tiền mặt mỗi chốt kiểm soát 04 triệu đồng.

Trước đó, trong những ngày cao điểm từ 26/6 đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố cũng đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện truy vết F1, F2, F3, F4; tuyên truyền, vận động người dân đến các trạm y tế để lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; khai báo y tế qua các chốt kiểm soát; hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho các hộ dân đang thực hiện cách ly tại phường Mông Dương.

Hội LHPN Thành phố đề nghị phụ nữ các địa phương có 8 chốt kiểm soát tiếp tục phối hợp, hỗ trợ công tác hậu cần cho các chốt; phát huy hiệu quả các thùng giữ nhiệt Hội Phụ nữ đã trao tặng các chốt để bảo quản nước uống, lương thực đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại 8 chốt.

 Ngoài ra, phát huy tinh thần trách nhiệm của phụ nữ các cấp trong thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định phòng chống dịch; chủ động phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị.

* Tình hình dịch Covid-19 tại Quảng Ninh ngày 30/6/2021

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 08h00’ ngày 30/6/2021, Quảng Ninh không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn tỉnh. Tính từ ngày 24/6/2021 đến thời điểm hiện tại có 08 ca dương tính phát hiện tại Quảng Ninh (03 ca nhiễm cộng đồng; 05 ca nhiễm nhập cảnh). Hiện tại, Bệnh viện số 2 đang cách ly điều trị 08 bệnh nhân (F0).

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai giám sát phát hiện các trường hợp liên quan đến các địa phương, các ổ dịch khác trong cả nước; kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị y tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng số xét nghiệm từ 27/01/2021 đến thời điểm báo cáo: 346.821 lượt người (Trong đó: xét nghiệm cộng đồng: 167.500; xét nghiệm ổ dịch: 53.870; xét nghiệm dịch vụ: 125.451).

 

Thông tin chi tiết, đề nghị liên hệ: Đồng chí Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, số điện thoại: 0913 394 689.

Phương Thảo - Phòng TT-BC-XB


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 106
Đã truy cập: 2751773