Hưởng ứng Ngày sách và văn hoá đọc lần thứ 2 năm 2023: Chống sách lậu trên không gian mạng – cần sự chung tay toàn xã hội!

21/04/2023 15:05

Tháng 12/2022, Cục Xuất bản, In và Phát hành (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã ra mắt đường dây nóng ngăn chặn sách lậu với số: 032 961 0717. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận những thông báo khẩn cấp từ người dân, sau đó gửi phản ánh đến cơ quan nhà nước và lực lượng chức năng về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền.

Để huy động được sự vào cuộc của đông đảo các cấp chính quyền và Nhân dân trong việc ngăn chặn sách lậu, sách giả nói chung, sách giả, sách lậu trên môi trường mạng nói riêng, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị hệ thống thông tin cơ sở 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền rộng rãi thông tin về đường dây nóng trên hạ tầng truyền thông của địa phương.

Đây là một trong những nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền.

Sách giả, sách lậu tràn lan trên không gian mạng: Hậu quả và nguyên nhân

 Sách lậu, sách giả thường là loại sách chất lượng kém do công nghệ in ấn thấp, sao chép thủ công, nguyên liệu giấy kém và nội dung loại sách này cũng không đảm bảo. Sách giảm sách lậu vì vậy đã và đang gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội.  

 Nội dung biên tập bản in lậu có thể bị thiếu hoặc sai lệch hẳn so với bản gốc, dẫn đến các kiến thức, nội dung có thể bị hiểu và áp dụng sai lệch trong thực tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Học sinh, giáo viên nếu tiếp nhận các thông tin sai lệch từ sách lậu có thể dẫn đến nhận thức sai, hành động sai; người đọc tiếp nhận kiến thức từ 1 cuốn sách bàn về vấn đề y học bị sai, bị thiếu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, thậm chí là tính mạng khi áp dụng các kiến thức này cho bản thân và gia đình.

Sự “lộng lành” của sách giả, sách lậu sẽ “giết chết” sách thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sáng tạo, lao động chân chính của các tác giả, các nhà khoa học, của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành uy tín.

Dễ thấy nhất là sách giả đã làm mất đi sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản làm ăn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật với những cơ sở chuyên "sống ký sinh", ung dung hưởng lợi nhuận bằng việc sao in trái phép, không mất công tổ chức bản thảo cũng như thực hiện nghĩa vụ bản quyền. Cùng với thiệt hại lớn về kinh tế do sách giả gây ra cho các nhà xuất bản làm ăn chân chính, trực tiếp xâm hại quyền tác giả, thì sách giả cũng khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thu đáng kể.

Nghiêm trọng hơn, sách giả sẽ dẫn tới sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Tâm lý ham rẻ, chỉ mua rẻ sẽ dần tạo thói quen coi thường chất xám, coi thường công sức của các tác giả, nhà xuất bản. Người đọc sách giả về lâu dài sẽ dễ dàng chấp nhận sự kém chất lượng, kể cả những lỗi sai về nội dung, hình thức, từ đó vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức của bản thân. Việc chấp nhận sách giả còn góp phần triệt tiêu sự sáng tạo của các tác giả, nhà xuất bản, tạo ra một lớp người tiêu dùng méo mó, sẵn sàng chấp nhận cái sai và lan truyền cái sai đó, gây ra những tác động xấu cho xã hội.

Vì nguồn lợi từ sách giả đem lại lớn nên các đối tượng đã không ngừng thay đổi các chiêu thức để đưa sách giả đến với bạn đọc. Nếu như trước đây, sách giả, sách lậu chủ yếu được bày bán ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, thì những năm gần đây, sách lậu còn còn "đổ bộ" lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội với hình ảnh quảng cáo là những bộ sách thật với các chiêu trò quảng cáo như: Đại hạ giá 50-70% giá bìa, sách thanh lý, dọn kho, sách đồng giá, sách tri ân… thu hút hàng chục nghìn tài khoản theo dõi, hàng nghìn bình luận.

Đáng chú ý, những cuốn sách vừa được xuất bản, bán chạy ngay lập tức xuất hiện sách giả được rao bán, gây bức xúc trong xã hội cũng như đối với các nhà xuất bản, người làm sách chân chính.

Sách giả được bán tràn lan trên mạng xã hội với quảng cáo: Sách hạ giá đồng giá, tri ân…

 Các trang fanpage trên mạng xã hội Facebook được lập ra để bán sách giả, sách lậu nhiều nhan nhản, các đối tượng sử dụng hình thức ẩn danh hoặc gian dối thông tin về địa điểm, số điện thoại, dùng tính năng ẩn ý kiến phản hồi, tương tác của khách hàng vì vậy độc giả không biết được chất lượng thực sự của những cuốn sách mà họ sắp mua.

Nhiều lý do để sách giả, sách lậu vẫn tồn tại thậm chí bùng nổ như hiện nay, có thể kể như:

Lợi nhuận lớn: Chế tài và mức phạt đối với những hành vi này chưa thật sự đủ răn đe, trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn. Tại Điều 24 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; in gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công...

Mức phạt mấy chục triệu đồng so với lợi nhuận lớn có thể tới hàng trăm triệu đồng thu được từ in ấn, phân phối sách giả, sách lậu đã khiến cho các đối tượng bất chấp các thủ đoạn, không ngừng thay đổi phương thức, lợi dụng triệt để các trang mạng xã hội để kinh doanh sách giả.

Với công nghệ in ấn hiện đại dẫn đến việc in lậu với số lượng lớn đã không còn khó khăn với các đối tượng. Đáng kể, các đầu nậu thường tách mỗi công đoạn thực hiện ở một nơi khác nhau, kho hàng tuyệt đối bí mật. Bởi vậy, cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

Trên thực tế, cũng không ít vụ việc có sự tiếp tay, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất dẫn đến việc phát hiện sách lậu càng khó hơn.

Bên cạnh đó sự dễ dãi của bạn đọc cũng tiếp tay cho sách giả, sách lậu có thêm nhiều đất sống. Vì lợi ích cá nhân, nhiều người dù biết rõ đó là sách giả nhưng vẫn sẵn sàng mua và cổ vũ cho việc làm này, cho rằng mình có lợi vì mua được sách giá rẻ.

Ngăn chặn sách lậu, sách giả cần sự chung tay của cộng đồng

Trước vấn nạn sách giả, sách lậu với những ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sách lậu, sách giả cả trên thực tế lẫn trên không gian mạng. Các biện pháp có thể kể ra như:

Tăng mức phạt để đảm bảo mức răn đe cho các đối tượng: Được biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương cũng đã tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Những điều chỉnh, bổ sung này tăng cường chế tài xử phạt, góp phần răn đe, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu. Sắp tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đề xuất Luật hóa tội “in ấn sách lậu, sách giả” ngang với tội “xâm phạm sở hữu công nghiệp”, “làm hàng giả”.

Làm tốt công tác truyền thông nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp và nhân dân, lan tỏa thông điệp: “In và phát hành sách lậu là tiếp tay cho hành vi ăn cắp trí tuệ, lao động của người khác; trực tiếp triệt tiêu động lực của người viết sách, làm sách”. Qua đó để công chúng hiểu lợi ích từ các đầu sách được xuất bản chính thống và kịp thời đưa ra những khuyến cáo chi tiết để người đọc tránh mua phải xuất bản phẩm lậu.

Tác giả - những người sáng tạo tác phẩm phải thường xuyên kiểm soát, chủ động lên án kịp thời và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý khi phát hiện sách của mình bị làm giả.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện vi phạm, kiên quyết không cho sách lậu, sách giả có thể tuồn ra thị trường; đồng thời, xử lý nghiêm, có tính răn đe với các vi phạm được phát hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để bán sách không rõ nguồn gốc, công tác quản lý bán hàng trực tuyến càng phải được nâng cao, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm sớm phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý…

Sự chung tay của độc giả: Việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu, vi phạm bản quyền và gian lận thương mại trong hoạt động xuất bản đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan liên quan như Quản lý thị trường, công an và đặc biệt là sự chung tay, cùng nói không với sách giả, sách lậu của toàn xã hội.

Tai mắt của độc giả là yếu tố quan trọng giúp các cơ quan chức năng kịp thời nắm biết và xử lý tình trạng sách lậu, sách giả hiện nay.

Việc loại trừ hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu là trách nhiệm không của riêng ai, điều này cần cả cộng đồng nhận thức đúng và hành động đúng. Độc giả Quảng Ninh khi phát hiện sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền ngoài việc thông báo đến đường dây nóng đã nêu ở đầu bài viết, đồng thời thông báo trực tiếp đến Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh để  Sở kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

* Một số lưu ý để chọn đúng sách thật khi mua sách online:

- Chọn mua sách ở những trang web, trang fanpage của các nhà sách, nhà xuất bản có uy tín. Các trang web uy tín thường có thông tin rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên hệ khác.

- Cảnh giác với các quảng cáo bán sách có mức chiết khấu cao (từ 40-50% trở lên) hoặc sách mới nhưng báo đồng giá (9k, 25k, 35k/ cuốn) rất dễ đó là những cuốn sách lậu vì để in một cuốn sách theo đúng quy trình thì tốn rất nhiều chi phí.

- Cảnh giác với các trang web, trang fanpage bán sách online ẩn thông tin hoặc thông tin mập mờ ở phần giới thiệu.

- Hãy báo cáo, chia sẻ thông tin trên trang cá nhân của mình khi mua phải sách lậu, sách giả để giúp người thân, bạn bè tránh xa các trang web đồng thời giúp các cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý.

Thanh Trà – P.TTBCXB


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 437
Đã truy cập: 2673619