Mới đây, tại họp báo thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều 5/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc nhận diện các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, chỉ riêng tháng 9/2023, có đến 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến bị hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia ngăn chặn.
24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng
Một số hình thức được các đối tượng sử dụng khiến nhiều người mắc bẫy như:
Thứ nhất, giả mạo website: Lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple để lập các website giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền…; giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife,…
Thứ hai, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/ file nén: Thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link “khảo sát”; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc,…
Thứ ba, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR: Mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, mã OTP; hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng.
Cục An toàn Thông tin cũng khuyến cáo người dùng không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết, không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.
Người dùng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Không truy cập các đường link lạ.
Bên canh đó, người dùng cũng cẩn trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Tại Quảng Ninh, thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được đơn tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn tỉnh, về việc bị các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan công an yêu cầu cài ứng dụng có logo giả mạo Bộ Công an để truy cập danh bạ, đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thông qua giao dịch bằng phương thức internet banking.
Cụ thể, ngày 25/7/2023, chị L.T.N (trú tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long), nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh đe dọa, cáo buộc chị tham gia và là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy.
Đối tượng yêu cầu chị L.T.N khai báo lý lịch của bản thân, một số quá trình làm việc, di chuyển trong khoảng thời gian từ ngày 15/3 đến nay và số tiền hiện có trong tài khoản ngân hàng. Khi chị L.T.N hoang mang, lo sợ và bắt đầu nghe theo lời của đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng “Phần mềm bảo mật”, có logo Bộ Công an, mục đích là để truy cập vào danh bạ, tin nhắn trên điện thoại.
Khi đã thực hiện thay đổi mật khẩu thành công, đối tượng lừa đảo âm thầm truy cập vào tài khoản ngân hàng của chị L.T.N tất toán các khoản gửi tiết kiệm online và chuyển toàn bộ sang tài khoản của chúng. Kết quả, tổng số tiền chị N bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 400 triệu đồng.
Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tháng 6/2023, Cục An toàn thông tin Bộ TT&TT đã phát hành Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, người dân có thể tìm hiểu 24 hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng để nâng cao cảnh giác.