Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây. Dù đã chủ động, tích cực ứng phó, nhưng do sức tàn phá quá tàn khốc, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu nhiều tác động mạnh nhất bởi cơn bão này. Ngay sau khi cơn bão đi qua, toàn tỉnh đã dồn lực khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3.
Chủ động “3 trước, 4 tại chỗ”
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó với cơn bão trên địa bàn. Cụ thể là phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra thiệt hại về người, Quảng Ninh đã chỉ đạo tất cả các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Trong đó, đã huy động gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ứng trực tại các địa bàn được phân công. Các lực lượng chức năng đã kêu gọi gần 5.600 tàu, thuyền về khu vực neo đậu tránh trú bão. Khoảng 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với gần 3.000 lao động đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ ngày 4/9. Các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các tuyến giao thông được triển khai.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.
Toàn tỉnh cũng khẩn trương rà soát 2.383 hộ có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, tốc mái; 348 điểm có nguy cơ sạt lở, 152 điểm nguy cơ ngập úng và 25 vị trí nguy cơ đá rơi, lũ quét; tổ chức di dời 2.053 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, địa phương đã tập trung cao độ phân công lực lượng phòng chống bão; chủ động theo dõi các kênh dự báo diễn biến hướng di chuyển của cơn bão để tuyên truyền, khuyến cáo du khách, ngư dân tìm nơi tránh trú bão. Các lực lượng chức năng tăng cường kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn…
Điển hình như TP Hạ Long đã bố trí lực lượng tại chỗ trên địa bàn 33 xã, phường gồm 1.000 người và 600 người của các lực lượng hiệp đồng, như: Lực lượng vũ trang, đơn vị ngành than, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn... theo phương án phòng chống thiên tai và các nội dung hiệp đồng đã ký kết. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng sẵn sàng huy động vật tư và gần 100 phương tiện, máy móc, thiết bị để triển khai phương án hiệp đồng, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.
Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thăm hỏi, động viên lực lượng tại Công ty Điện lực Hạ Long làm nhiệm vụ trực bão.
Ngày 6/9, ngành than đã yêu cầu các đơn vị khai thác lộ thiên, khai thác hầm lò dừng sản xuất; sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh điều động hơn 100 lượt phương tiện, gần 400 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập úng, giúp đỡ nhân dân gia cố, chằng, chống nhà cửa, chằng buộc ô, lồng bè trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển đảo.
Siêu bão càn quét Quảng Ninh
Nhiều nhà dân, các công trình trên địa bàn phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) bị cơn bão số 3 càn quét, thiệt hại nặng nề.
Khoảng 12h ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh, tốc độ tiến vào bờ của cơn bão này nhanh hơn nhiều so với những dự báo trước đó. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17, mưa to, rất to từ 100-250mm; hàng loạt cây xanh bật gốc, cột điện gãy đổ nằm rạp trên các tuyến đường, khu dân cư.
Tấm tôn lợp trên nhiều mái nhà bị tốc, bay khắp nơi. Cửa kính cường lực, cửa kính tại các khu chung cư bị gió lốc thổi bay, đổ vỡ. Nhiều nhà cửa của người dân, trụ sở trường học, cơ quan bị gió giật tung cửa, xô đổ đồ đạc… Ô tô đỗ ven đường bị gió thổi làm rung lắc, nhiều chiếc bị cửa kính, mái tôn, cây đổ, cành gãy rơi trúng bẹp rúm; thuyền bè lớn dù đã được chằng buộc cẩn thận nhưng vẫn có những chiếc bị giật tung, trôi dạt tự do trên biển hoặc bị lật, chìm...
Cửa hàng nhà anh Nguyễn Quang Thái (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) bị tốc mái do ảnh hưởng của bão số 3.
Anh Nguyễn Quang Thái (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) chia sẻ: Đúng như dự báo, đây là cơn bão mạnh nhất hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Khi bão vào, toàn huyện Cô Tô bị mất điện, gió giật khiến mái nhà rung lắc và nhanh chóng bị cuốn bay. Gia đình tôi chạy sang nhà bên cạnh trú nhờ qua cơn bão. Bão tan mới dám đi về dọn dẹp, giờ mọi thứ đều tan hoang hết.
TP Hạ Long cũng là địa phương bị cơn bão số 3 quần thảo, càn quét. Đứng thất thần bên đống "đổ nát" ở dãy nhà hàng kinh doanh ăn uống tại trung tâm phường Bãi Cháy, bà Vũ Thị Tuyết, chủ nhà hàng hải sản thốt lên chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như bão số 3. Bà Tuyết nhớ lại: Trưa 7/9, gió giật rất mạnh trong nhiều giờ kèm mưa lớn, 4 cửa hàng liền kề của gia đình tôi bị gió quật đổ toàn bộ các hạng mục xây dựng phía trước. Hệ thống bể cá, bàn pha chế, các tấm biển quảng cáo bị hư hỏng do gió quật gãy đổ. Chiếc ôtô đỗ trong nhà hàng cũng hư hỏng do bị sắt, thép rơi trúng, làm vỡ kính, đèn hậu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, đến sáng 8/9, hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối, không liên lạc được, mất điện diện rộng. Toàn tỉnh có 3 người chết, 157 người bị thương.
Theo thống kê bước đầu từ các địa phương, có 2.083 nhà bị tốc mái, 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ, có hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi, 336ha lúa bị ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, pano, biển quảng cáo bị gãy đổ.
Dồn lực khắc phục hậu quả do bão
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, ngay trong chiều tối 7/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thống kê số tàu du lịch, tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản bị đắm, chìm; các hộ thiệt hại hoa màu, bị tốc mái cần được hỗ trợ ngay; tổ chức ngay các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu, xà lan bị trôi dạt trên biển. Cùng với đó, phối hợp với điện lực, các nhà mạng viễn thông để nhanh chóng khắc phục tình trạng mất mạng Internet, mất điện, đảm bảo thông tin được thông suốt, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngay trong đêm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh mà nòng cốt là Bộ CHQS tỉnh hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn bắt đầu tổ chức tìm cứu, ưu tiên những trường hợp bị nạn ở dưới biển, như lật thuyền, trôi dạt, mất tích; tập trung chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người trên các phương tiện và tàu bị đắm. Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tập trung lực lượng dọn dẹp cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường, ngõ, trường học, nhà văn hóa... để bảo đảm sinh hoạt trở lại.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 213 tham gia hỗ trợ các cơ quan, người dân thu dọn vệ sinh, cây gãy đổ sau cơn bão số 3.
Thượng tá Tiêu Quang Hợp, Chính trị viên phó Ban CHQS TP Hạ Long, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố, ngay sau khi cơn bão đi qua, Ban CHQS TP Hạ Long và đơn vị đóng quân trên địa bàn đã huy động 100% lực lượng phối hợp cùng chính quyền địa phương khơi thông toàn bộ khu vực ách tắc trên địa bàn trục QL18A đi qua, đường Trần Quốc Nghiễn, đường tỉnh 279 đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, phối hợp cùng địa phương, nhân dân trên địa bàn tổ chức thu dọn cây xanh bị gãy đổ, dọn dẹp rác, vệ sinh lại đường phố, khu dân cư, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Đồng chí Lê Tuấn Vũ, Bí thư Đảng ủy phường Cao Xanh, cho biết: Để đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân trên các tuyến đường, khu dân cư, phường đã nhanh chóng chỉ đạo khắc phục lại toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn. Ngay trong sáng 7/9, phường đã huy động lực lượng, bố trí 3 máy xúc, 7 máy cắt thủ công để cắt cây xanh bị gãy đổ. Đồng thời chủ động các biện pháp phòng chống, di dời nhân dân tại các điểm sạt trượt, điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Phường đã huy động, bố trí 3 nhà nghỉ, khách sạn tiếp nhận miễn phí, đón người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, không an toàn do ảnh hưởng của bão.
Để khắc phục ngay tình trạng mất điện, tê liệt thông tin, tỉnh Quảng Ninh tích cực phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn VNPT, Vietel, Mobiphone chạy đua với thời gian, dồn toàn bộ nhân lực cho việc khôi phục lại các lưới điện, mạng viễn thông.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Đặng Thành cho biết: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực kiểm tra, khắc phục các đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV bị hư hỏng, sửa chữa các cột điện bị gãy, đổ. Tính đến 10h ngày 8/9, công ty đã khôi phục được 9/50 đường dây 110kV; đóng điện được 8 trạm biến áp 110kV và 12/80 đường dây trung áp, trong đó có TP Móng Cái đã được cấp điện trở lại. Tập trung để cấp điện trở lại cho khu vực trung tâm Hòn Gai và toàn bộ khu vực Bãi Cháy của TP Hạ Long. Các địa phương khác sẽ khôi phục một phần trở lại. Ngay sau khi đóng điện được một số trạm biến áp 110kV, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã ưu tiên cấp điện cho các đơn vị ngành than, các trạm phát sóng viễn thông, bệnh viện... để đảm bảo cho công tác liên lạc, khắc phục thiệt hại sau bão.
Để nhân dân sớm ổn định đời sống sau thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tổ chức những đoàn thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân đang phải di dời tránh bão. Việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân sau bão cũng được đảm bảo, không có tình trạng thiếu hàng; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Các siêu thị vẫn mở cửa liên tục, nguồn cung đảm bảo.
Các địa phương huy động phương tiện, lực lượng khẩn trương thu dọn cây gãy đổ, đảm bảo giao thông thông suốt.
Có thể nói, việc khôi phục hoàn toàn hậu quả sau mỗi đợt bão lũ không phải ngày một ngày hai là làm được, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung sức của các lực lượng, đoàn thể cùng với người dân, đến thời điểm này công tác khắc phục thiệt hại do bão đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân. Hiện các lực lượng trong toàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lở, lũ ống, lũ quét, sụt lún trên địa bàn.